Nhan Húc Quân, TGĐ Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam
Trong một lần cùng dùng cơm trưa với một doanh nhân trong làng công nghệ thông tin, tôi phải tạm gác đũa để trả lời câu hỏi mang tính hiếu kỳ pha chút ngưỡng mộ của anh: “Trong đội ngũ nhân sự của chị có những người thâm niên 5, 10, 15 thậm chí gần 20 năm. Chị đã giữ họ bằng cách nào?”
Vốn thuộc mẫu người cởi mở, tôi cũng thẳng thắn chia sẻ góc nhìn của bản thân qua những cảm nhận mà mình đã trải nghiệm và tích lũy trong quá khứ lẫn hiện tại: Tôi không thích dùng từ “giữ” bởi một khi người ta đã không muốn ở lại thì sẽ có đủ lý do chính đáng để hợp thức hóa việc ra đi.
Vậy điều gì “thu hút” người ta ở lại? Giá trị vật chất, đương nhiên! Nhưng đó không phải là tất cả, càng không phải là yếu tố đầu tiên. Được vui, được hạnh phúc và hãnh diện với người xung quanh ran mình đã, đang góp phần tạo nên thành công của tổ chức mới là điều để một ai đó tự nguyện đưa ra cam kết ở lại, cùng gây dựng và phát triển doanh nghiệp.
Theo tôi, sự gắn kết chỉ có được khi cả hai bên – người lao động và người sử dụng lao động hội đủ ba yếu tố:
- Tự giác: Luôn làm chủ bản thân để hoàn thành tốt công việc được giao. Ý thức sâu sắc rằng trong sự thành công của mình luôn có và cần sự giúp đỡ của người khác;
- Tự nguyện: Sẵn sàng dấn thân để tạo ra những giá trị mới từ sự tiết kiệm và cách tân:
- Tự thân vận động thúc đẩy sự hòa hợp: Luôn điểm tĩnh, nhường nhịn, thấu hiểu và thể hiện sự cảm thông.
Có khi nào chúng ta tự đặt câu hỏi cho bản thân: “Tại sao người khác lại chịu sự quản lý của mình?” Với những doanh nghiệp hoặc tổ chức có khả năng lãnh đạo và xây dựng được nền móng quản trị tốt thì việc “đặt người đúng chỗ” là điều mắt thấy tai nghe. Những hiện tượng tiêu cực như đút lót, nịnh nọt, bè phái để được thăng tiến là điều không thể tồn tại và chấp nhận.
Để người khác theo mình, cộng tác tốt với mình thì người quản lý hay lãnh đạo phải tự khăng dịnh bản thân và chứng tỏ cho những người đi theo thấy rằng:
- Tôi là người có thái độ và kỹ năng làm việc tốt;
- Tôi là người có kinh nghiệm và tương tác tốt với nhiều người (không là tất cả);
- Tôi là người xứng đáng được tin cậy bởi tôi có những phẩm chất tốt như chăm chỉ, thật thà, trung thành;
- Tôi là người có thể làm gương để người khác học tập và noi theo, cả việc công lẫn việc tư.
Rõ ràng là khi chúng ta đứng ở vị trí càng cao thì sự trông đợi và kỳ vọng của những người theo mình càng lớn. Nói cách khác, bạn phải có gì đó khác biệt để khẳng định giá trị của mình.
Giá trị của tờ hợp đồng lao động hay hôn thú chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên một khi sự gắn kết chấm dứt. Bản thân tờ giấy đó không tạo nên sự gắn kết giữa những con người sống trong một xã hội hiện đại luôn có cái nhìn đa chiều và những cung bậc cảm xúc khác nhau. Chất keo gắn kết nằm ở chính ý thức muốn và tự nguyện gắn kết của mỗi người.
SUY NGẪM MỖI NGÀY
Ở làng nọ, có một ông lão đã gần đất xa trời nhưng vẫn cặm cụi làm vườn. Nhiều người hàng xóm hỏi:
– Ông làm gì vậy?
Ông cụ đáp:
– Tôi trồng cây ăn quả.
Có người cười ồ lên, mỉa mai:
– Liệu ông có sống đến ngày hái quả hay không? Vậy tốn công sức làm gì cho nhọc xác?
Ông cụ từ tốn:
– Không, chắc chắn tôi không sống tới ngày đó. Nhưng người khác sẽ ăn. Tôi đã từng ăn trái cây do người khác trồng. Nay tôi trồng là để tỏ lòng biết ơn họ.