Blog nhân sự

[DỰ BÁO SỰ BẤT ĐỊNH] TRONG NGUY CÓ CƠ, HỒI PHỤC LÀ CUỘC ĐUA CHẠY ĐƯỜNG TRƯỜNG

“Dự báo sự bất định” là chuyên đề thứ nhất thuộc khuôn khổ Diễn đàn Nhân sự “Vươn tới tương lai” do Le & Associates Holdings và Mazars phối hợp với Saigon Times Club tổ chức ngày 23/10/2020. Chuyên đề bàn luận về các vấn đề trọng yếu trong bối cảnh khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 như cơ hội, thách thức cũng như cách mà các doanh nghiệp vượt qua. Từ đó, nhìn thấy được sự dẫn dắt, đánh giá lãnh đạo của các nhà quản lý.

Chuyên đề được điều phối bởi Ông Trần Sĩ Chương – Chuyên gia Kinh tế, Cổ đông sáng lập Nu Advisory. Ông Jack Nguyễn – Partner, Marzars Việt Nam; Ông Richard Burrage – CEO Cimigo Việt Nam; Bà Nguyễn Lan Anh – CEO Endeavor Việt Nam là những diễn giả chia sẻ tại chuyên đề.

(Phần chia sẻ của Ông Jack Nguyễn – Phó Tổng giám đốc, phụ trách Đối tác của Mazars tại Việt Nam tại Chuyên đề 1)

Những tín hiệu lạc quan trong bão Covid- 19 của Việt Nam

Mở đầu Chuyên đề “Dự báo sự bất định”, Ông Jack Nguyễn – Phó Tổng giám đốc, phụ trách Đối tác của Mazars tại Việt Nam ngậm ngùi: “Với cá nhân tôi, 2020 là một năm khủng khiếp mà tôi sẽ nhớ cho đến khi tôi già đi và vào nằm trong viện dưỡng lão”.

Để chứng minh “sự khủng khiếp” này, Ông Jack Nguyễn cung cấp một số thông tin: “Với chỉ số GDP tăng 7.0%, 2019 là năm mà Việt Nam đạt được sự phát triển tốt nhất trong 20 năm qua. Du lịch đạt kỳ tích “tăng trưởng vàng” với 18 triệu lượt khách quốc tế đến du lịch. Đầu tư nước ngoài đạt 38 tỷ $, cao nhất trong 10 năm trở lại. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội +2.000 tỷ đồng và 138 ngàn doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong năm. Khu vực tư nhân ngày càng nhận được nhiều đầu tư hơn và đang dẫn đầu nền kinh tế Việt Nam. Do đó ai cũng kỳ vọng vào một sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa vào năm 2020, nhất là sau khi Việt Nam đã ký thành công các hiệp định như CPTPP và EVFTA. Cùng với đó là xu thế những nhà sản xuất nước ngoài muốn rút ra khỏi Trung Quốc, tìm đến các thị trường mới trong đó có Việt Nam vì chiến tranh thương mại Mỹ – Trung”.

Sự xuất hiện của dịch Covid-19 thực sự là cú sốc về mọi mặt khi chỉ trong vòng 9 tháng đã gây nên những ảnh hưởng rất nặng và khủng khiếp. GDP 6 tháng đầu năm 2020 còn 1,8%; 23 ngàn doanh nghiệp đóng cửa; 31,8 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực, làm việc ít hơn hoặc mất việc. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 4,8%. Khách quốc tế đến VN giảm 70,6%. Lạm phát cơ bản tăng 2,59%.

May mắn vì Việt Nam kiểm soát dịch tốt hơn những nước khác nên vẫn có chỉ số kinh tế phát triển dương (+) trong khi các nước xung quanh giảm mạnh. Ông Jack nhận định: “Tôi dự đoán, kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn sẽ phát triển bình thường. GDP sẽ tăng khoảng 2.5 – 2.6%; xuất khẩu đạt 275 tỷ $, FDI từ 32- 34 tỷ $… tuy thấp hơn năm ngoái nhưng vẫn là cao trong tình trạng Covid 19. Nếu có thuốc chữa Covid – 19, quá trình phục hồi sẽ diễn ra nhanh hơn. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ Việt Nam mở cửa biên giới để vào khảo sát và triển khai đầu tư”.

(Ông Richard Burrage, CEO Công ty Nghiên cứu Thị trường Cimigo trình bày phần báo cáo tại Chuyên đề 1)

Dịch Covid- 19 dẫn đến sự thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng

Ông Richard Burrage, CEO Công ty Nghiên cứu Thị trường Cimigo cho biết: “Thất nghiệp ảnh hưởng đến thu nhập dẫn đến người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu và những khoản chi lớn chỉ được dành cho chi tiêu hộ gia đình”.

Thống kê từ khảo sát thị trường cho thấy, người tiêu dùng chuyển xuống những thương hiệu rẻ hơn, tìm đến nơi mua sắm rẻ hơn, chú trọng hơn đến khuyến mại, tìm kiếm những phần thưởng cá nhân để mang lại cảm giác thoải mái. Mua sắm thường xuyên hơn nhưng chi tiêu cho mỗi lần mua ít đi. Họ cố gắng tiết kiệm tiền trong túi. Số ít người thu nhập cao sẽ tìm kiếm giá trị bằng cách mua hàng theo lô/giá sỉ hoặc sản phẩm kích cỡ/dung tích lớn dùng dần. Đây thực sự là một thử thách của doanh nghiệp khi phải cân đối giữa việc vừa bảo vệ hình ảnh thương hiệu lại vừa cung cấp thêm giá trị cho khách hàng thông qua khuyến mại.

Báo cáo cũng cho biết, người tiêu dùng sẽ thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Hồi phục là một cuộc đua chạy đường trường thay vì là cuộc đua nước rút

Ông Richard Burrage đánh giá: “Mặc dù Việt Nam đang có một cơ hội lớn và một tinh thần kinh doanh không bao giờ khuất phục tuy nhiên lực hồi phục cần có thời gian”.

Cimigo dự đoán tiêu dùng cá nhân sẽ phục hồi sau 18 tháng và sẽ đạt 100% mức độ tương đương với trước khi đại dịch xảy ra vào tầm tháng 09/2021. Và những lĩnh vực có thời gian phục hồi chậm nhất, sau 36 tháng, gồm: du lịch quốc tế, du lịch hội thảo, du học.

Ông Richard Burrage khuyến nghị: “Trong những thời điểm khó khăn, cần nhất là giữ sự lạc quan, “nói ít làm nhiều”. Nên ưu tiên và tập trung hỗ trợ nhân viên của bạn và sau đó là khách hàng. Những tổ chức có nguồn lực có thể vượt ra ngoài và cung cấp giá trị cho cộng đồng”.

Cimigo cho biết, đây là khoảng thời gian thích hợp để triển khai các chiến dịch truyền thông truyền cảm hứng. Do đó, khách hàng sẽ dễ dàng tiếp nhận nhất với các thông điệp có tính trấn an, hỗ trợ động viên; thể hiện lòng biết ơn; sự đoàn kết và hướng về tương lai tốt đẹp phía trước.

Cimigo khuyến cáo doanh nghiệp cân nhắc và có giải pháp cung ứng sản phẩm dịch vụ phù hợp nếu khách hàng truyền thống của họ thuộc về nhóm đang và sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất là người cao tuổi và người bước vào giai đoạn mới của cuộc đời ví dụ sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đại học, người mới kết hôn và có con đầu lòng, gia đình có con lớn đi học xa hoặc ở riêng.

Doanh nghiệp có khả năng ra quyết định nhanh, chú trọng phát triển bộ phận R&D thường vượt khủng hoảng dễ dàng hơn.

Tại phiên thảo luận của chuyên đề, Bà Nguyễn Lan Anh, CEO Endeavor Vietnam cho biết: “Công việc hiện tại của tôi là phát triển mạng lưới toàn cầu nơi tập hợp những doanh nhân đã thành công trở thành mentor hỗ trợ cho những công ty đang phát triển. Chúng tôi lựa chọn những công ty có khả năng quy mô hóa cao, có mô hình kinh doanh mới, hoặc có khả năng tạo ảnh hưởng lớn cho ngành kinh tế. Lúc đại dịch mới xuất hiện, mọi người đều hoảng hốt và chúng tôi phải thực hiện nhiều hoạt động để giúp cho các công ty đó ứng phó. Các lời khuyên đều là tiết kiệm tiền, thay đổi chiến lược. Những công ty công nghệ hoặc fintech có nhiều tín hiệu lạc quan nhất khi chỉ sau vài tháng khó khăn đều đã hoạt động tốt, thậm chí có nhiều  cơ hội mới và tăng trưởng mạnh hơn, nhất là trong thương mại điện tử do thói quen của người tiêu dùng thay đổi. Mặc dù Việt Nam vẫn còn khó khăn, nhiều người mất việc, nhưng tại diễn dàn Forbers vừa rồi chúng tôi được nghe chia sẻ nhiều cách thức ứng phó khó khăn rất linh hoạt. Ví dụ như du lịch, dệt may vốn bị ảnh hưởng rất nhiều do tiêu dùng của nước ngoài và xuất khẩu tụt giảm nhưng họ đã chuyển biến nhanh sang những công việc khác như may khẩu trang và những ngành khác mà họ có thể xuất khẩu được”.

Dù vậy, nhiều chủ doanh nghiệp tham gia hội thảo vẫn bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào năm 2021. Các doanh nhân cho rằng một khi vẫn chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 thì tình trạng bất định này sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp.

Hiểu được trăn trở đó, Ông Trần Bằng Việt, Tổng giám đốc Đông A Solutions đồng cảm: “Đi hội thảo được nghe nhiều dự báo tích cực hơn mình nghĩ thành ra tôi “lo”. Người Việt Nam rất dễ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Khi mọi người đều đánh giá tình hình là tốt thì chúng ta sẽ dễ có những quyết định đầu tư hơi “non” một tí. Bản thân tôi thấy không có cơ sở để tin vào chỉ số tăng trưởng 7 – 8 % mà các diễn giả chia sẻ. Chúng ta kháng cự tốt vì nền kinh tế chúng ta còn rời rạc, tỷ trọng nông nghiệp nhiều, về quê không phải vay mượn, chính phủ tập trung quyền lực tốt nên các biện pháp huy động người dân tốt, “trên nói dưới nghe”.

Một doanh nghiệp, đất nước, xã hội có khả năng kháng cự tốt hơn trước một biến cố xấu nào đó không đồng nghĩa với việc họ có khả năng tận dụng được cơ hội để nhảy vọt lên nhanh và xa hơn.

Càng trong cơn hoảng loạn thì những doanh nghiệp càng lớn, càng nhiều cấp, nhiều chi nhánh, nhiều tài sản lại càng khó xoay xở. Nhưng tại những doanh nghiệp nhỏ mà người lãnh đạo/người chủ đồng thời là người có khả năng ra quyết định, quyết sách nhanh, gần gũi khách hàng thì xoay trở nhanh lắm. Từ tháng 03/2020 đến nay, Startup nào chưa xoay được thì sẽ không xoay được nữa đâu. Có thể xem đây là cơ hội 30 năm mới có một lần cho những doanh nghiệp SMEs bật lên. Những gián đoạn do dịch bệnh Covid – 19 gây ra có giá trị của giai đoạn đổi mới dẫn đến mọi quy luật, mọi nguyên tắc đều bị thay đổi. Ai tận dụng được nguyên tắc và quy luật này thì sẽ thành công, sẽ là tỷ phú tương lai. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa mọi Startup đều thành công. Chỉ cần 5 – 10% Startup thành công là đã vui mừng lắm rồi”.

Sau khi nghe Ông Trần Bằng Việt trình bày, Ông Trần Sĩ Chương – Chuyên gia Kinh tế và là Điều phối phiên thảo luận động viên: “Cuộc đời cái gì cũng chỉ có giá trị tương đối. Việt Nam được đánh giá là một trong số 3 quốc gia dự báo tăng trưởng là vui rồi. Chúng ta nên kỳ vọng vào sự tăng trưởng này bởi vì khi khi xã hội phục hồi rất nhiều nhu cầu vốn đang bị nén sẽ bung ra và cần được đáp ứng”.

Ông Trần Sĩ Chương tư vấn thêm: “Khi đối diện với khủng hoảng, chúng ta thường có tâm lý hoảng loạn và muốn phòng thủ. Thay vì chờ đợi và tưởng tượng về một “bình thường mới” thì chúng ta nên “nương” theo thời thế mà sống bằng cách suy nghĩ và chủ động sáng tạo ra nhu cầu mới cho xã hội. Ví dụ, trước đây mình sản xuất chỉ để xuất khẩu, bây giờ thị trường nội địa đang phát triển tốt thì mình quan sát, nghiên cứu rồi chọn cái mình “thuận nhất” để tạo ra cái thế mà làm ăn. Cũng đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng đầu tư vào Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển. Không cần quá đồ sộ, mỗi công ty chỉ cần có một người chuyên trách thu thập dữ liệu, suy nghĩ, sáng tạo hoặc điều chỉnh các phương án cung ứng sản phẩm – dịch vụ sao cho bán được nhiều hàng hơn, khách hàng hài lòng hơn thì doanh nghiệp sẽ rõ ràng về con đường mình đi và vượt mọi khủng hoảng trong tương lai dễ dàng hơn”.

(theo Diễm Châu)

Hãy theo dõi clip các phần trình bày và các phiên thảo luận của diễn giả tại Diễn đàn nhân sự “Vươn tới tương lai” để cùng giải đáp thắc mắc mà bạn hoặc doanh nghiệp đang gặp phải.

** Clip nội dung các phần trình bày của diễn giả của tại Diễn đàn nhân sự “Vươn tới tương lai” sẽ được đăng tải lần lượt tại:

** Link tải slide tài liệu của diễn giả sử dụng trong diễn đàn:

Hãy cùng chờ đón những sự kiện hấp dẫn sắp tới trong tháng 11 sẽ được Ban tổ chức tiếp tục cập nhật trên các kênh truyền thông và mạng xã hội của L & A.

Facebook
LinkedIn
Email
Print

Quý khách cần liên hệ tư vấn ?

Vui lòng liên hệ qua biểu mẫu trực tuyến, gọi điện cho chúng tôi qua email: cs@l-a.com.vn hoặc sđt: 0902 989 578
Để chấp thuận bảo mật thông tin theo Chính Sách Bảo Vệ và Xử Lý Dữ Liệu Cá Nhân và tiếp tục truy cập vào trang web của L & A, Quý khách vui lòng nhấn nút “Đồng ý”.
Call Now Button