Việc nhà lãnh đạo tự nhận thức về khả năng của mình là vô cùng cần thiết và đó cũng là bước đầu tiên để trở thành một nhà lãnh đạo kiệt xuất. Nhưng có phải tất cả các nhà lãnh đạo đều nhận thức đúng về mình, liệu có nên để các nhà lãnh đạo tự đánh giá năng lực quản lý của chính mình và có mối liên kết nào giữa khả năng đánh giá bản thân với năng lực của nhà lãnh đạo không?
Sự tự nhận thức bao gồm hai yếu tố chính. Đầu tiên, tự nhận thức là khả năng nhận biết những quan điểm, giá trị, cảm xúc, nhu cầu, những điểm mạnh của bản thân cũng như những mặt hạn chế cần cải thiện nhằm vẽ nên một bức tranh chân dung về chính mình. Bức tranh này không chỉ mô tả hình dáng bên ngoài mà còn thể hiện năng lực và trách nhiệm của bản thân đối với những người xung quanh. Thứ hai, tự nhận thức nghĩa là hiểu cách người khác nhìn nhận hành vi của mình. Điều này cho phép nhà lãnh đạo biết được tác động của họ đến những người xung quanh như thế nào và ý thức về những nỗ lực mà họ đóng góp cho tổ chức.
Khi được hỏi, hầu hết những nhà lãnh đạo ở vị trí cấp cao của tổ chức thường tự tin rằng mình hiểu hết những khía cạnh về bản thân. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Joe Folkman và Jack Zenger công bố trên Harvard Business Review gần đây, dữ liệu của Phản hồi 360 độ thu thập từ 69.000 người quản lý – những người được đánh giá qua con mắt của 750.000 người còn lại chứng minh điều này về cơ bản là không chính xác. Bởi trên thực tế nhà lãnh đạo chưa thực sự nhìn nhận đúng về điểm mạnh và điểm yếu của mình.
Nếu như vậy thì các nhà lãnh đạo đang đánh giá cao hay thấp về khả năng của họ?
Hàng ngang của biểu đồ dưới đây biểu thị mức độ mà các nhà lãnh đạo tự đánh giá bản thân, còn hàng dọc biểu thị hiệu quả lãnh đạo.
XEM THÊM:
- Giải mã năng lực lãnh đạo: Vấn đề thực sự là gì?
- Sức mạnh của dữ liệu: “Công thức” để phát triển lãnh đạo
- 9 cách để trở thành người lãnh đạo đáng mong đợi
Điều bất ngờ từ biểu đồ này là những nhà lãnh đạo “xuất chúng nhất” có khuynh hướng không tự đánh giá cao khả năng của mình. Bởi vì họ thường là những người khiêm tốn, tiêu chuẩn cá nhân cao và luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để trở nên tốt hơn, ngược lại những nhà quản lý đánh giá quá cao kỹ năng của mình lại chưa thực sự thể hiện tốt hiệu quả lãnh đạo.
Biểu đồ trên thể hiện sự ảnh hưởng của việc tự đánh giá bản thân đối với những ưu, nhược điểm, và những sai lầm chết người. Những người nhìn nhận bản thân mình quá cao thường có nhiều điểm yếu chết người hơn. Trong khi đó, những người đánh giá thấp bản thân lại có nhiều năng lực vượt trội và không có lỗ hổng chết người nào. Họ cũng sở hữu một số điểm yếu nhưng những điều này dường như bị lu mờ bởi những điểm mạnh của họ.
Vậy tại sao ảo tưởng về sự vượt trội của cá nhân có tác động xấu đến kết quả làm việc như vậy? Có rất nhiều nguyên nhân cho câu hỏi này nhưng nhìn chung việc tự đánh giá quá cao bản thân thể hiện thái độ chủ quan và thái độ này đã vô tình xóa bỏ những động lực cho sự phát triển của nhà lãnh đạo. Họ nên có một cái nhìn khách quan hơn thông qua nhận định của những người xung quanh.
Mặt khác, thay vì tập trung để hoàn thiện tất cả mọi mặt thì nhà lãnh đạo chỉ nên phát triển tối đa những điểm mạnh của mình, bên cạnh đó, khắc phục những điểm yếu chí tử là điều thiết yếu mà tất cả nhà lãnh đạo đều phải làm. Cuối cùng, sự khiêm nhường và tinh thần cầu tiến là những điều quan trọng hơn cả để đi trên con đường trở thành một nhà lãnh đạo xuất chúng.
Lược dịch: Forbes