Tản mạn về Hạnh phúc – Việt Hùng, Đồng sáng lập và Nguyên Tổng giám đốc công ty KMS Technology Vietnam.
“Cuốn sách này là tuyển tập các bài viết được chia sẻ trực tiếp tại trang web cá nhân của tôi trong suốt 10 năm vừa rồi. Sau khi tổng hợp lại, tôi thấy có đủ ý tứ để chia sẻ cho bạn đọc về những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, đúc kết từ quá trình trải nghiệm 10 năm. […] Tôi hy vọng các nội dung này có thể truyền cảm hứng đến mọi người về một cuộc sống hướng thiện, viên mãn, đầy sức sống mà tôi đang theo đuổi.”
__________________
Có lẽ không ít người trong chúng ta từng chứng kiến tình huống đại loại như thế này: “Một em bé đang chơi đùa với chiếc xe đồ chơi trong nhà. Té. Đau. Khóc. Ba em lại xem và dỗ dành em. Hóa ra em mải chơi, không chú ý, nên vấp té. Ba em “uýnh” cái xe, buộc tội cho cái xe là nguyên nhân, để em bé nguôi ngoai, bớt đau”.
Câu chuyện chỉ đơn giản như thế. Nhưng nếu chúng ta không chú ý và cứ chấp nhận cách “buộc tội” này, để nó trở thành suy nghĩ và thói quen trong vô thức thì vô cùng nguy hiểm. Đó là nguồn gốc của văn hóa chỉ trích, của việc đổ lỗi cho người khác và phủ nhận trách nhiệm cá nhân.
Ngày nay, đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông như tivi, báo đài hay Internet là những lời chỉ trích về sự yếu kém của chính phủ, của ngành y tế, của giáo dục, của tất tần tật. Thật dễ dàng để chỉ ra lỗi của người khác, chỉ trích, mà không cần phải đưa ra một giải pháp cho vấn đề. Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi người ta chỉ trích như vậy để làm gì chưa? Chỉ trích để… xoa dịu sợ hãi,… cho hả cơn giận trong một cuộc sống còn nhiều điều chưa tốt? Hay chỉ trích chỉ đơn giản là để cho “sướng miệng”?
Vậy liệu việc chỉ trích, việc đổ tội đó có giải quyết được vấn đề của bạn và của xã hội không? Đa phần là không. Những lời chỉ trích có lẽ sẽ chỉ mang đến cho chúng ta sự bất an, sợ hãi, và chúng ta còn lây nhiễm, sự sợ hãi đó sang người khác thông qua những “phát ngôn” và chia sẻ” của mình.
Tôi có đọc được một lời khuyên rất hay trong một bài báo mà tôi đã dịch sang tiếng Việt, đại khái rằng: “Nếu bạn không phải là một phần của giải pháp, thì bạn chính là một phần của vấn đề”. Và đúng như vậy. Khi thấy nhiều điều chưa đúng, chúng ta hãy thử hỏi xem mình có thể làm gì, dù là nhỏ bé, để thay đổi. Ngay cả khi bạn thấy không thể làm được điều gì để thay đổi thì bạn vẫn có thể thay đổi cách suy nghĩ, cách nhìn nhận cũng như thái độ của mình về sự việc. Điều đó sẽ giúp bạn có sự chủ động cũng như có động lực hơn để bước tới, thay vì chỉ trích và ngập chìm trong lo âu.
Ngạn ngữ xưa của Trung Quốc có câu: “Khi gặp việc không suôn sẻ, tiểu nhân sẽ đổ lỗi cho người khác, trung nhân thì sẽ trách bản thân, còn bậc đại nhân thì không trách ai cả”. Bậc đại nhân, những con người trưởng thành, sẽ không quan tâm quá đến việc lỗi của ai. Thay vào đó, họ cố gắng tìm hiểu vấn đề để có thể có một hiểu biết đúng đắn về những gì đã và đang xảy ra. Từ đó, họ xét xem mình có thể làm gì để thay đổi cục diện một cách tích cực hơn.
Stop! Dừng việc chỉ trích và đổ lỗi. Hãy hỏi xem bạn có thể đóng góp được gì. Điều đó chắc chắn là quan trọng hơn nhiều.