Cuộc đời quá ngắn để bất hạnh trong công việc. Nhưng lại rất nhiều người buông lỏng bản thân, để sự nghiệp của mình rơi vào trạng thái vô định, bất hạnh và khốn khổ.
Ví dụ như một khách hàng của tôi – Sharon. Sharon là phó chủ tịch một công ty năng lượng toàn cầu. Cô thông minh, làm việc chăm chỉ và đã rất nhanh thăng tiến trên chiếc thang sự nghiệp nhờ tuân thủ các nguyên tắc.Cô kiếm được rất nhiều tiền, cưới được người đàn ông cô yêu và tận tụy với những đứa con của mình. Cô có tất cả mọi thứ cô nghĩ mình muốn nhưng cô lại không hạnh phúc. Ở nhà, mọi chuyện thật căng thẳng, và công việc cũng không làm cô cảm thấy hài lòng. Cô mệt mỏi với những chính trị ở công sở và điên đầu với những thay đổi không bao giờ ngừng. Cô bực tức với những giờ làm việc kéo dài, cơ hội thăng tiến và những khoản thưởng sau này cũng không còn hấp dẫn như trước, nhưng cô vẫn phải làm việc chăm chỉ mọi lúc: Sự cố gắng trở thành một thói quen.
Xem thêm:
- “Yêu thương” hay để nhân tài ra đi ?
- Sai lầm sự nghiệp lớn nhất của tôi là gì?
- Tuyển dụng dựa trên văn hóa: Tuyển dụng cho tổ chức, không chỉ là công việc
Sharon đổ lỗi sự mệt mỏi lên mọi người. Cô tin rằng nhóm quản lý đã không chú tâm vào những hoạt động kinh doanh thường ngày. Cô than phiền với bạn bè và những đồng nghiệp về các quyết định tồi từ ban giám đốc, chiến lược của công ty và những cái mà cô nhìn nhận là thiếu tầm nhìn từ góc lãnh đạo cấp cao. Tất cả mọi thành viên trong nhóm dường như đều chùng xuống.
Sau khi huấn luyện Sharon trong nhiều tháng, tôi bắt đầu thích cô. Nhưng dù vậy tôi vẫn cảm thấy những than phiền của cô rất chán ngắt. Tôi có thể đâu đó hình dung được những gì đồng nghiệp nghĩ về cô. Khi được hỏi vì sao lại đổ lỗi cho mọi người, cô nói, “Tôi biết mình có thể làm tốt hơn, chỉ là tôi quá bận rộn. Ngoài ra, tôi có hạnh phúc hay không cũng không sao, cái quan trọng là tôi đạt được mục tiêu.” Trong những khoảnh khắc trầm tư hơn, Sharon thừa nhận sự căng thẳng và cảm giác không vui của mình ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong công việc, gia đình và sức khỏe của cô. Cô thậm chí nhận ra mình đã thay đổi đôi chút các giá trị đạo đức. Cái cô không nhận ra là sợi dây quan hệ giữa sự bất mãn ngày càng gia tăng với năng lực làm việc ngày càng suy giảm của cô.
Bẫy tham vọng
Động lực đạt mục tiêu và tiến xa hơn trong sự nghiệp thúc đẩy chúng ta cố gắng hết sức. Nhưng khi tham vọng đi cùng cạnh tranh cao độ và chỉ chăm chăm vào chiến thắng, chúng ta sẽ gặp vấn đề. Chúng ta không còn nhận ra những ảnh hưởng của những việc chúng ta làm lên bản thân và cả những người khác; các mối quan hệ bị phá hủy; chúng ta bắt đầu theo đuổi các mục tiêu doanh số; và công việc dần mất đi những ý nghĩa của nó.
Đó chính là những gì đã xảy ra với Sharon. Xuyên suốt cuộc đời mình, bố mẹ, thầy cô và những huấn luyện viên của cô khuyến khích cô nỗ lực, và cô đã đạt được rất nhiều thứ. Cô đạt điểm cao, vị trí tốt ở đội thể thao, và những giải thưởng học thuật. Khi bắt đầu làm việc, tham vọng của cô làm những người chủ ấn tượng: Cô trao cho họ những gì họ muốn đúng giờ và làm tốt công việc của mình.
Tuy nhiên, những đồng nghiệp không quá yêu thích cô và họ ngoảnh mặt đi khi nhận ra Sharon luôn muốn trở thành số một. Với cô, điều đó có nghĩa là tất cả những người khác phải trở thành số hai. Những mục tiêu của nhóm không phải là ưu tiên trừ khi nó phục vụ cho mục đích cá nhân của cô, và cô bị mọi người đánh giá là hay xem nhẹ những người khác.
Tất nhiên, tham vọng thì chẳng hề có chút gì sai. Đôi khi, sự tham vọng giúp mọi người rèn dũa được những kỹ năng của mình. Sau tất cả thì tiền đề chính cho sự thành công dài hạn trong những tổ chức phức tạp là những sự hợp tác hiệu quả giữa mọi người. Nhưng tham vọng cao độ của Sharon chỉ tập trung vào những mục tiêu riêng, và những đồng nghiệp đã không còn tin tưởng cô nữa cũng như là ngừng giúp đỡ cô nữa.
Thách thức trong công việc hiện rõ khi Sharon phải quản lý một dự án yêu cầu sự tương tác với nhiều người, là trung gian làm việc giữa phòng ban của cô với một khách hàng nội bộ đầy quyền lực. Chiến lược công ty thay đổi, các mục tiêu dự án thay đổi, và những tiêu chuẩn của khách hàng càng cao hơn, dù ngân quỹ lại lại không thay đổi gì. Sharon liên tục nhìn nhận các yêu cầu của khách hàng là không hợp lý và thường phản ứng bằng cách biến các tình huống thành một cuộc cạnh tranh bên thắng người thua. Cô bắt đầu đi tắt đón đầu, đòi hỏi phòng ban của mình phải nhận những khoản thù lao quá cao và thậm chí còn nói sai sự thật để đạt được những gì mình muốn.
Sếp của Sharon, người đã bảo vệ cô trong nhiều năm, cuối cùng phải thừa nhận những gì hiển nhiên: Cô đã trở thành một gánh nặng. Ông yêu cầu cô rời khỏi dự án và cho cô ra rìa. Sự nghiệp của cô bị chững lại. Bị buộc phải rời khỏi đường đua khiến cô thức tỉnh, và Sharon nhận ra rằng cô rất cô đơn và thật sự không hạnh phúc với công việc trong một thời gian dài. Tham vọng của cô đã biến thành một cái bẫy chứ không còn là một tài sản. Sự nhẫn tâm của cô đến từ quá trình chứ không phải là một phẩm chất đơn thuần: Những thành công ban đầu đã củng cố thái độ “người thắng giành tất cả” và khiến cô cuối cùng đi chệch hướng trong cả sự nghiệp lẫn cuộc sống cá nhân.
Bẫy “Nên”
Làm cái nên làm chứ không phải làm những thứ mà chúng ta muốn làm là một cái bẫy mà tất cả ai trong chúng ta đều có mắc phải trong chặng đường sự nghiệp của mình. Đúng là như vậy, có những nguyên tắc không thành văn nhưng định hình sự nghiệp của chúng ta một cách tích cực, như hoàn thành tốt việc học để có thể giúp đỡ gia đình, tôn trọng tính đúng giờ và phép lịch sự ở nơi công sở. Nhưng quá nhiều tiêu chuẩn công việc – cái chúng ta gọi là “nên” – buộc chúng ta phải phủ nhận bản thân mình và đưa ra những lựa chọn gây cản trở tiềm năng và những ước mơ của bản thân.
Để thành công trong hầu hết các doanh nghiệp, mọi người phải tuân theo những cái “nên” về cách ăn mặc, nói chuyện, những ai chúng ta nên giao lưu và đôi khi thậm chí là cuộc sống bên ngoài công việc. Tôi đã từng làm việc trong những tổ chức nơi một ứng viên đã đánh mất công việc chỉ vì một đôi giày mòn đế và một người phụ nữ phải trang điểm và để những kiểu tóc nhất định (thường là ngắn) để duy trì được công việc. Tôi cũng đã từng làm ở những công ty nơi đàn ông không thể nào leo lên vị trí quản lý trừ khi cưới vợ. Và ở những công ty trong nhóm Fortune 500, chỉ 4% lãnh đạo cao cấp là phụ nữ và chưa tới 1% là người da màu. Những con số thống kê đáng kinh ngạc này kể cho chúng ta nghe câu chuyện về người “nên” dẫn đầu và người “nên” đi theo.
Những tiêu chuẩn ngầm này không chỉ thiếu cơ sở (giới tính, chủng tộc, và tình trạng hôn nhân mà chẳng liên quan gì đến năng lực lãnh đạo); chúng còn gây ra một tác hại chết người khi chúng ta cảm thấy cần phải che giấu bản thân hay giả vờ trở thành ai đó khác. Kenji Yoshino và Christie Smith cho biết, trong một nghiên cứu được Deloitte tài trợ, 61% trong 3.000 lao động cảm thấy họ phải che giấu bản thân mình theo cách nào đó để phù hợp với công việc: Họ hoặc là chủ động che giấu hoặc là né tránh những chuyện về giới tính, chủng tộc, khuynh hướng tình dục, tôn giáo hay những khía cạnh khác trong nhân cách, nhân dạng hoặc cuộc sống của họ.
Ở vài công ty, phụ nữ thường không nói chuyện về con cái để tránh nhận hình phạt “Motherhood penalty.” Những người Mỹ gốc Phi thường tránh mặt nhau để không bị nhìn nhận là tham gia vào một nhóm thiểu số.Thậm chí 45% đàn ông da trắng nói rằng họ che giấu những thông tin khiến họ bị xa lánh, ví dụ chứng trầm cảm. Tôi biết rất nhiều người che giấu tất cả những thứ khiến họ trông yếu đuối hay nhu nhược như những khó khăn của họ tại nhà, những cảm giác mệt mỏi – vì họ nghĩ rằng lúc nào họ cũng nên mạnh mẽ.
Những cái “nên” không chỉ ảnh hưởng cách chúng ta nhìn nhận bản thân trong công việc. Chúng còn sẽ mô tả về những loại hình công việc và sự nghiệp mà chúng ta khao khát. Ví dụ một khách hàng khác của tôi, Marcus. Trong những năm đại học, Marcus tham gia vào nhiều công ty khởi nghiệp và thích thú với những trải nghiệm này. Anh thầm hy vọng sẽ tiếp tục được con đường khởi nghiệp của mình, nhưng khi gần tới thời điểm tốt nghiệp, anh lại cảm thấy nao núng. Khi nhận được lời mời từ một công ty tư vấn uy tín, anh đã quyết định nhận công việc đó. Sáu tháng sau, Marcus nhận ra mình rất chán ghét công việc đó, nhưng bố mẹ anh vẫn khoe khoang với mọi người về sự thành công của con trai mình, về mức lương ngon lành và những người bạn liên tục nhờ anh giới thiệu họ vào công ty, Marcus cảm thấy mình không thể bỏ việc.
Ở tuổi 42, Marcus trở thành đối tác quản lý cao cấp của công ty. Anh tuân theo tất cả những nguyên tắc, và thoạt nhìn, là một trường hợp thành công thực thụ. Nhưng đó lại chính là vấn đề: Sự nghiệp của anh như một trò chơi. Anh bị mất kết nối giữa sứ mệnh công ty với cái họ thực sự đang làm, nhưng anh vẫn tiếp tục công việc. Marcus nhận ra anh đã đối xử, nhất là với những nhân viên mới, một cách hơi vô nhân đạo, nhưng anh đã làm những điều đó.
Marcus không thích công việc tư vấn và anh đã dành phần lớn con đường sự nghiệp của mình để che giấu con người thật của anh: một người đàn ông đồng tính kết hôn cùng một viên chức công đoàn. Anh chưa bao giờ thổ lộ cuộc sống cá nhân ở nơi làm việc vì những người thành công không đồng tính, và theo những gì anh biết, vợ của họ cũng không làm những công việc thấp cấp. Sống trong những bí mật khiến mọi người cảm thấy không vui. Nó làm giảm hiệu suất công việc vì sự cam kết đã không còn, chỉ còn sự bất mãn với công việc và đồng nghiệp đọng lại.
Dĩ nhiên, tránh cái bẫy “nên” không phải là phớt lờ hết các nguyên tắc. Thái độ hoàn toàn không tuân thủ nguyên tắc và sự khác biệt về văn hóa sẽ thách thức thậm chí những tổ chức nồng nhiệt nhất. Thay vào đó, chúng ta cần nhìn nhận những quy tắc nào không phù hợp và sẽ trở nên tai hại. Sự dồn nén bản thân và tuân thủ cứng ngắt sẽ không mang lại sự hiệu quả và sáng tạo trong công việc; và chúng cũng không tạo ra sự vui vẻ trong công việc – một yếu tố mấu chốt để thành công lâu dài trong công việc. Trong trường hợp này, những cái “nên” định hướng những lựa chọn trong sự nghiệp khiến Marcus nhận sai công việc và phải che giấu cuộc sống cá nhân của mình. Các nguyên tắc anh nghĩ mình phải tuân thủ đã phá hủy tâm hồn anh và cuối cùng khiến sự nghiệp của anh bị xuống dốc.
Bẫy làm việc quá độ
Vài người trong chúng ta, phản ứng trước những áp lực trong môi trường công sở ở thế kỷ 21 bằng cách giành toàn bộ thời gian để làm việc hay suy nghĩ về công việc. Chúng ta không có thời gian cho bạn bè, thể thao, thức ăn lành mạnh hay nghỉ ngơi. Chúng ta không chơi với những đứa con, hay thậm chí là không lắng nghe chúng. Chúng ta không ở nhà khi bệnh, không dành được thời gian để tìm hiểu mọi người xung quanh trong công việc hay hiểu rõ về họ trước khi đưa ra những kết luận.
Làm việc quá độ khiến chúng ta rơi vào một vòng xoáy tiêu cực. Làm nhiều căng thẳng nhiều; căng thẳng nhiều khiến não bộ bị chậm lại và trí tuệ cũng như cảm xúc bị suy giảm; ít sáng tạo và giao tiếp không khéo léo ảnh hưởng đến năng lực làm việc. Một bài viết gần đây trên Harvard Business Review đã đặt tiêu đề rất hay, “Nghiên cứu đã chỉ ra: Làm việc dài giờ tác động xấu đến con người và công ty.”
Làm việc quá độ rất hấp dẫn và được ca tụng ở nhiều tổ chức. Erin Reid của Đại học Boston thấy rằng, thực tế, vài người (đặc biệt là nam) nói dối về số giờ làm việc của bản thân. Họ tuyên bố mình làm hơn 80 giờ một tuần – vì nghĩ rằng làm việc nhiều giờ sẽ gây ấn tượng tốt với sếp. Chưa hết, nỗi ám ảnh công việc có thể đến từ con quỷ bên trong mình, chúng ta cảm thấy bất an, tội lỗi khi nhìn thấy những người khác làm việc quá nhiều, hay giúp chúng ta thoát khỏi những vấn đề cá nhân. Rất nhiều người lao động chăm chỉ tin rằng làm việc nhiều sẽ giúp giảm căng thẳng: Nếu hoàn thành xong dự án, viết xong báo cáo, đọc xong tất cả thư điện tử, họ cảm thấy mọi thứ sẽ được kiểm soát tốt hơn. Nhưng tất nhiên công việc thì không bao giờ là đủ là xong.
Chuyện đấy cũng đã xảy ra với Marcus. Anh về nhà vào buổi chiều, thường sẽ trễ hơn những gì anh ta hứa, và giành thời gian trong nhà bếp nói chuyện với vợ về hoạt động thường ngày của những đứa con. Lúc đó, điện thoại anh đang nằm trên quầy bếp. Nhưng mới nói được hai phút, điện thoại reo và anh nhấc máy. Marcus nghĩ rằng gia đình mình sẽ không để tâm, nhưng sự thật thì họ cảm thấy bị tổn thương. Qua nhiều năm, vợ anh luôn cố gắng nói về việc Marcus quá bận rộn với công việc của mình. Ban đầu, Marcus nổi điên: “Anh phải làm việc như thế này! Em muốn anh làm gì, nghỉ việc à?”. Sau đó, anh ăn năn và hứa sẽ thay đổi. Nhưng sau một khoảng thời gian từ bỏ ngắn ngủi, cơn nghiện công việc lại quay trở lại.
Marcus bắt đầu ngủ ít đi, một phần vì những cuộc gọi trễ trong đêm và đầu buổi sáng, và một phần cũng vì căng thẳng. Anh ăn không ngon, và bắt đầu uống rượu bia nhiều. Trong công việc, anh là một người sếp khó chịu, hay sao nhãng. Anh bắt đầu phạm sai lầm – trễ các thời hạn, quên trả lời những thư điện tử quan trọng. Anh không đạt được những kỳ vọng của cá nhân và của mọi người, khiến anh cảm thấy cực kỳ khó chịu. Và anh lại cố gắng nhiều hơn.
Cũng như Sharon, Marcus cuối cùng cũng tỉnh ngộ. Một buổi chiều, trong một cuộc tranh luận không bao giờ dứt về những cuộc điện thoại, những lá thư điện tử và những cuộc gọi buổi tối muộn, vợ anh đưa ra tối hậu thư: “Anh phải dừng chuyện này lại, em không thể sống như vậy nữa.” Marcus bị bất ngờ, và đó là một khoảnh khắc đanh thép. Một tuần trước đó, sếp của anh đã chỉ ra những vấn đề quan trọng ở một trong những dự án, bà ta nói rằng mọi người đang lo lắng về anh, anh lúc nào cũng làm việc và rõ ràng anh đã quá sức mệt mỏi, bà ta thậm chí cũng nói câu nói tương tự vợ Marcus: “Anh phải ngừng chuyện này lại ngay.”
Marcus rất khó khăn mới chịu thừa nhận mình gặp vấn đề. Làm việc quá độ được nhìn nhận như sự chăm chỉ đã trở thành một phần trong sự nhân dạng về anh – và, đúng với rất nhiều chúng ta, dường như tốc độ phát triển nhanh chóng trong công việc với anh quan trọng hơn mọi thứ. Những công ty phẳng và tinh gọn hơn cùng những thị trường cực kỳ cạnh tranh buộc chúng ta phải làm nhiều hơn với ít quỹ thời gian hơn. Khi công nghệ tiến bộ, chúng ta phải thực hiện những công việc mà những người khác từng làm – hay làm cho chúng ta. Và với những người làm việc với nhiều múi giờ khác nhau, những cuộc họp điện thoại đầu buổi sáng và trễ vào buổi tối giờ đây đã là chuyện bình thường. Cái thiết bị nhỏ chúng ta luôn mang theo bên mình mọi nơi đã trở thành một ông chủ đòi hỏi. Công việc thực sự đã làm chủ chúng ta.
Dù đang rơi vào những cái bẫy “nên” hay làm việc quá độ như Marcus, hay bẫy tham vọng như Sharon, câu hỏi là làm sao để thoát khỏi chúng? Tin tốt là những kỹ năng và tư duy lãnh đạo có thể khiến bạn trở nên hiệu quả trong công việc, cũng như có thể giúp bạn thoát ra và tái khám phá lại sự hạnh phúc của bạn.
Bước đầu tiên là chấp nhận rằng bạn xứng đáng có được sự hạnh phúc trong công việc. Điều đó có nghĩa là từ bỏ niềm tin sai lầm rằng công việc không phải là nguồn duy nhất mang lại cảm giác trọn vẹn cho chúng ta. Trong nhiều thế kỷ, công việc đơn thuần chỉ là cách kiếm bữa no. Rất nhiều người vẫn còn chật vật với mức lương thấp và những điều kiện làm việc tệ hại, và với họ, công việc nghĩa là kiếp nô lệ. Nhưng nghiên cứu đã cho thấy rằng, thậm chí những công việc quỵ lụy nhất cũng có thể mang lại cảm giác trọn vẹn. Cái đáng ngạc nhiên là ngay cả với những quản lý thành công – những người lao động trí thức và sáng tạo – đôi khi lại không tìm ra ý nghĩa thực sự trong công việc. Thay vào đó, họ đặt niềm tin tuyệt đối về sự chăm chỉ.
Công việc có thể trở thành một nguồn hạnh phúc mà tôi mô tả nó như một sự thích thú sâu sắc và vĩnh cửu đến từ những hoạt động thường nhật được kích lửa bởi sự đam mê cho một mục đích cụ thể, một cái nhìn hy vọng về tương lai, và những tình bạn thực sự. Để nắm lấy ba cấu phần hạnh phúc này, chúng ta đầu tiên phải đào sâu vào những động lực và thói quen giúp chúng ta nuôi dưỡng những cấu phần này. Vì sao lúc nào chúng ta cũng làm việc? Liệu tham vọng và khao khát chiến thắng giúp hay làm hại chúng ta? Vì sao chúng ta bị mắc kẹt bởi những gì nên làm và không theo đuổi những gì ta muốn làm? Để trả lời cho những câu hỏi này, chúng ta cần thảo luận về trí tuệ cảm xúc của chúng ta.
Đi từ mắc bẫy sang hạnh phúc
Vài thập niên trở lại đây, những nhà tâm lý học, nghiên cứu, bao gồm cả tôi, đã đồng thuận rằng có mười hai năng lực trí tuệ cảm xúc, tất cả đều giúp bạn tránh hay thoát khỏi những cái bẫy hạnh phúc. Tôi tin rằng năng lực – tự thị cảm xúc, kiểm soát cảm xúc và hiểu rõ tổ chức – đặc biệt hữu ích để giúp chúng ta thoát khỏi tư duy kiểu cũ.
Tự thị cảm xúc là năng lực nhận biết và hiểu những cảm xúc và tâm trạng và nhận ra cách chúng ảnh hưởng đến những suy nghĩ và hành động của bạn. Ví dụ bạn có thể nhận ra rằng cảm giác không thoải mái khi vội vàng đi theo chữ “nên” – ví dụ trả lời thư điện tử vào lúc 8 giờ tối hay vào ngày cuối tuần – báo hiệu bạn sợ bị bỏ rơi. Đi sâu hơn đôi chút, đó có thể là một thói quen tư duy cũ không còn có lợi.
Nhận biết là xuất phát điểm tốt nhưng sau đó chúng ta phải hành động. Đó là khi điểm kiểm soát cảm xúc bước vào cuộc: Nó cho phép bạn chịu đựng sự không thoải mái khi bạn hiểu mình đang làm gì với bản thân. Ví dụ, nếu biết rằng mình đang kiểm tra thư điện tử vào buổi tối vì cảm thấy bất an, bạn đang không cảm thấy hài lòng với bản thân. Nhưng nếu để cảm giác này qua một bên, bạn vẫn mắc kẹt. Tự kiểm soát cho phép chúng ta thực hiện những hành động nằm ngoài vùng thoải mái của bản thân.
Cuối cùng, hiểu rõ tổ chức – hiểu biết về môi trường làm việc của bạn – có thể giúp bạn phân biệt giữa những gì đến từ bên trong và những gì đến từ những người khác hay tổ chức. Ví dụ, bạn nhận ra rằng những đồng nghiệp đang chăm chỉ đọc và gửi những lá thư điện tử và hành động làm việc quá độ của bạn đến từ áp lực đó – không phải đến từ sự bất an. Giờ bạn có thể lựa chọn: Bạn có thể dũng cảm quyết định bỏ qua quy luật đó và ngừng làm việc, hoặc bạn tiếp tục hành động theo cách mâu thuẫn với những giá trị (và ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống gia đình bạn). Bạn thậm chí có thể nhận ra rằng ngừng làm việc quá độ có thể thay đổi sự năng động và kỳ vọng của nhóm, tạo ra một tiểu văn hóa hữu ích trong tổ chức.
Mục đích, hy vọng và tình bạn
Sử dụng trí tuệ cảm xúc để loại bỏ những rào cản là bước đầu tiên trên hành trình đạt được sự trọn vẹn lớn hơn trong công việc. Nhưng hạnh phúc không diễn ra theo cách nhiệm mầu – chúng ta đầu tiên phải chủ động tìm kiếm ý nghĩa và đích trong những công việc hằng ngày, nuôi dưỡng hy vọng trong bản thân và những người khác, và xây dựng những quan hệ bạn bè trong công việc.
1. Ý nghĩa và mục đích.
Con người được lập trình để tìm kiếm ý nghĩa trong mọi thứ chúng ta làm, dù đang ngồi trong văn phòng, leo núi, hay ăn tối cùng gia đình. Đam mê một mục đích cung cấp năng lượng, trí tuệ, và sự sáng tạo. Một phần nguyên do đến từ các hóa chất não bộ. Những nhà nghiên cứu đã cho thấy rằng các cảm xúc tích cực đến từ công việc được nhìn nhận là có giá trị khiến chúng ta thông minh hơn, cách tân hơn, và thích nghi tốt hơn. Ví dụ, giáo sư tâm lý Đại học Duke Dan Ariely và các đồng nghiệp đã tiến hành một nghiên cứu trong đó những người tham gia được trả tiền để xây dựng các mô hình Lego. Một số mô hình sẽ bị tháo dỡ ngay sau khi hoàn thành. Những người tham gia với mô hình được giữ lại nhìn chung tạo ra 50% số mô hình Lego nhiều hơn so với những người còn lại dù cả hai nhóm đều được nhận những khoản tiền tương đồng. Chúng ta cống hiến hơn khi tạo ra ảnh hưởng – thậm chí dù là một ảnh hưởng nhỏ..
Những học giả quản trị đã chứng minh hiện tượng này cũng đúng trong công việc: Mục đích là một động lực đầy quyền lực trong hạnh phúc công việc. Tuy nhiên, chúng ta rất hiếm khi sử dụng suối nguồn động lực này. Như Sharon và Marcus, quá dễ để đánh mất những gì chúng ta đánh giá cao và bỏ qua những khía cạnh trong công việc quan trọng với chúng ta, đặc biệt là khi chúng ta chật vật với những tổ chức yếu ớt, những người sếp tồi, và căng thẳng. Và nếu điều đó xảy ra, sự thiếu gắn kết chỉ cách đó không xa. Khi thiếu đi mục đích công việc, chúng ta không có lý do nào để cống hiến toàn bộ bản thân.
Mỗi người trong chúng ta tìm thấy ý nghĩa và mục đích khác nhau trong công việc, nhưng theo kinh nghiệm của tôi với rất nhiều người khắp thế giới trong mọi lĩnh vực, tôi thấy vài điểm tương đồng: Chúng ta muốn tranh đấu cho một mục đích mà chúng ta quan tâm. Chúng ta muốn kiến thiết và cách tân. Chúng ta muốn giải quyết vấn đề và cải thiện nơi làm việc. Chúng ta muốn học tập và phát triển. Và, như các nghiên cứu đã cho thấy, công việc của người gác cổng hay quản lý cấp trung cũng có ý nghĩa và quan trọng như CEO.
Khi bạn khám phá ra khía cạnh nào của công việc thực sự khiến bạn thỏa mãn – và khía cạnh nào phá hủy bạn – bạn sẽ phải chọn cách tiêu thời gian và cái gì bạn sẽ theo đuổi trong sự nghiệp. Marcus quyết định bắt đầu nghiêm túc khám phá kinh doanh mà anh luôn ước ao sở hữu. Anh nghiên cứu các khía cạnh tài chính và cách để tận dụng những quan hệ ở công ty hiện tại và với những khách hàng. Anh và vợ cân nhắc thay đổi lối sống để phù hợp với kinh doanh sắp triển khai. Cuối cùng, anh tạo ra một cây cầu: Anh làm việc trong vai trò cộng sự bán thời gian ở công ty trong hai năm trong khi tìm nguồn quỹ và bắt đầu một kinh doanh mới.
2. Hy vọng.
Nếu bạn đã từng đối mặt với nghịch cảnh, khủng hoảng hay thất bại, bạn biết rằng hy vọng là cái cần để vượt qua chúng. Nó khiến chúng ta muốn thức dậy mỗi ngày và cố gắng, thậm chí khi cuộc sống khó khăn. Hy vọng giúp bạn vượt qua tình huống phức tạp; xử lý căng thẳng, nỗi sợ, và sự bực tức; và thấu hiểu các tổ chức và cuộc sống dữ dội bên ngoài. Hy vọng bên cạnh mục đích sinh ra những hóa chất não bộ. Nghiên cứu đã cho thấy khi cảm thấy tích cực, hệ thống thần kinh của chúng ta chuyển từ đấu tranh hay bỏ chạy sang trạng thái bình tĩnh và sẵn sàng hành động. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy rằng khi mọi người được huấn luyện theo cách kích thích những cảm xúc tích cực và một tầm nhìn truyền cảm hứng về tương lai, những vùng não liên quan đến hệ thống đối giao cảm được kích hoạt: Thở chậm hơn, huyết áp giảm, và hệ thống miễn nhiễm hoạt động tốt hơn. Chúng ta suy nghĩ lý trí hơn và có khả năng quản lý cảm xúc tốt hơn. Chúng ta cảm thấy tràn đầy sinh khí và sẵn sàng lên kế hoạch cho tương lai.
Đó là cách Sharon đi từ hiểu vì sao cô quá tập trung vào chiến thắng sáng tạo ra một sự nghiệp mà cô thực sự hào hứng. Qua những buổi nói chuyện với chồng (người trong nhiều năm đã cảnh báo cô về tham vọng quá lớn của mình), cô có khả năng xây dựng một tầm nhìn về những gì cô muốn từ công việc – cái không chỉ phụ thuộc vào việc nhận được lá thư thăng chức hay giành chiến thắng trong cuộc chơi vĩnh hằng mà vào phong cách sống cô muốn.
Người sử dụng lao động thường dùng các phát biểu tầm nhìn để tiêm sự tích cực và lạc quan vào nhân viên, nhưng không may thay, thậm chí những phát biểu xuất sắc nhất cũng hiếm khi đủ thuyết phục. Để trở nên hạnh phúc trong công việc, chúng ta phải cảm thấy trách nhiệm và cơ hội phù hợp với tầm nhìn cá nhân – phù hợp với những giá trị, khao khát, và niềm tin – và chúng ta phải hình dung ra những con đường dẫn đến nó. Hy vọng thực sự nghĩa là lên kế hoạch – nó khuyến khích chúng ta xây dựng một con đường thậm chí khi phải đối mặt với những viễn cảnh kinh khủng; nó khuyến khích chúng ta thực hiện những hành động cụ thể, thực tế gắn chặt với cách chúng ta muốn cuộc sống và sự nghiệp sẽ diễn ra.
Tôi đã gặp rất nhiều người e thẹn với những giấc mơ lớn, sợ rằng họ sẽ chỉ thất vọng. Nhưng tôi không tin vào những hy vọng sai lầm. Hy vọng không phải là thứ gì đó thần kỳ hay ảo tưởng; nó là một trải nghiệm cảm xúc quyền lực, tích cực dẫn chúng ta đến sự can đảm, những kế hoạch cẩn trọng và các hành động cụ thể.
3. Tình bạn.
Nếu bạn làm việc với người bạn thích và tôn trọng, và nếu họ thích và tôn trọng bạn, bạn sẽ thích công việc. Nhưng nếu đang làm một công việc mà bạn lúc nào cũng phải cảnh giác, hay bị bỏ rơi, bạn nhiều khả năng sẽ đi trên con đường dẫn đến sự bất hạnh sâu sắc – hay bạn đang ở đó rồi. Bạn có thể tự nhủ bản thân rằng tình huống đó có thể chấp nhận được hoặc bạn không cần bạn bè trong công việc. Điều đó không đúng.
Thực tế, các quan hệ tốt là xương sống của các tổ chức thành công. Những người quan tâm nhau trao đi một cách hào phóng thời gian, tài năng và nguồn lực. Gallup khám phá ra rằng những quan hệ gần gũi trong công việc thúc đẩy sự thỏa mãn của nhân viên lên 50% và rằng những người có bạn thân trong công việc có khả năng gắn kết với công việc cao hơn gấp bảy lần. Sự tôn trọng lẫn nhau thúc đẩy chúng ta giải quyết những mâu thuẫn để mọi người cùng thắng. Và khi chúng ta tin rằng mình sẽ được sống thật, rằng chúng ta có những vai trò quan trọng, và rằng chúng ta là một phần của nhóm, chúng ta cam kết hơn với những mục tiêu chung.
Những quan hệ nồng ấm, tích cực quan trọng trong công việc vì rất nhiều lý do nhân văn. Kể từ những ngày đầu của nhân loại, con người đã tổ chức thành các bộ lạc, lao động và chơi đùa cùng nhau. Các tổ chức ngày nay là những bộ lạc, chúng ta muốn làm việc trong một nhóm hay một công ty khiến chúng ta tự hào và truyền cảm hứng để chúng ta nỗ lực hết sức.
Chúng ta cũng muốn mọi người quan tâm đến mình và coi trọng mình như những con người. Và chúng ta cần làm điều tương tự với mọi người. Chúng ta nỗ lực về thể chất lẫn tinh thần khi cảm thấy trắc ẩn với những người khác và nhận ra họ cũng quan tâm chúng ta. Thực tế, nghiên cứu Harvard Grant đã phát hiện ra rằng tình yêu – đúng, chính là tình yêu – chính là yếu tố quan trọng duy nhất của thành công trong cuộc sống. Bên cạnh đó, những người trải nghiệm tình yêu – bao gồm tình yêu trong tình bạn – thành công hơn, thậm chí về mặt tài chính. (Một thông tin từ ghi chú nghiên cứu cho thấy trong những năm kiếm bộn nhất, những thành viên tham gia có điểm “quan hệ nồng ấm” cao nhất kiếm trung bình 141.000 đô la nhiều hơn mỗi năm.)
Nhưng tình yêu công sở sao? Phần lớn mọi người lùi bước trước khái niệm đó (dù chúng ta biết nó rất thường xảy ra).Tuy nhiên, cái chúng ta cần là tình yêu dựa trên sự quan tâm, lo lắng, và tình bạn thân thiết. Những quan hệ như vậy thường đầy niềm tin và sự hào phóng, nguồn gốc của sự vui thú, và khiến công việc trở nên vui vẻ.
KẾT LUẬN
Quá nhiều người tin rằng nếu họ thành công, họ sẽ hạnh phúc. Đó là suy nghĩ lạc hậu. Tác giả và nhà tâm lý học Shawn Achor tuyên bố rất rõ ràng: “Hạnh phúc đến trước thành công.” Đó là bởi vì những cảm xúc tích cực đến từ cảm giác gắn kết, thỏa mãn và được coi trọng trong công việc có rất nhiều lợi ích: Não bộ hoạt động tốt hơn; chúng ta sáng tạo và thích ứng tốt hơn; chúng ta có nhiều năng lượng hơn, đưa ra những quyết định thông minh hơn, và quản lý sự phức tạp tốt hơn. Đơn giản: Những người hạnh phúc hoạt động hiệu quả hơn những người không hạnh phúc.
Đây là thời điểm để tuyên bố quyền được hạnh phúc trong công việc. Để bắt đầu, hãy thay những niềm tin lỗi thời bằng một hiểu biết mới về những gì chúng ta có thể kỳ vọng từ công việc – và từ những người khác. Hãy thoát khỏi những cái bẫy khiến chúng ta cảm thấy không vui. Và hãy bắt đầu chuyến hành trình đến sự thỏa mãn bằng cách tập trung vào việc khám phá và sống theo mục đích trong công việc, đi đến một tầm nhìn tương lai hấp dẫn đặt nặng tính nhân văn và nuôi dưỡng sự tử tế thông thường và thành công dài hạn, những công sở nơi ý tưởng, nhu cầu và khao khát cũng quan trọng như sự hạnh phúc.
Bài viết này đăng trên ấn phẩm tháng 9-10,2017 (trang 66-73), tạp chí Harvard Business Review.