Trương Chí Dũng, công ty L & A
Trong thời buổi chuyển đổi số, có câu hỏi được nêu lên là: “Lãnh đạo doanh nghiệp cần thêm những khả năng nào cho giai đoạn này?” Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Dưới đây là tóm tắt các câu trả lời.

Có tinh thần sẵn sàng chờ đón những điều mới
Hóa ra tinh thần sẵn sàng chờ đón những điều mới như là: thăm dò tình huống mới, rộng mở cho cơ hội mới, và háo hức với các ý tưởng mới, không phải tự nhiên mà có. Trong thời buổi chuyển đổi số, do tính mau lỗi thời và nhịp độ thay đổi chóng mặt của công nghệ thông tin buộc người lãnh đạo phải trang bị tiếp cho mình tinh thần này.
Có tinh thần sáng tạo nhưng vẫn chọn sao chép nếu cần
Khả năng này giúp chọn ra đúng các khu vực nào phải tập trung đổi mới và biết rõ các khu vực nào nên chọn sao chép là tốt hơn. Quan trọng vẫn là sao chép có chọn lọc, thể hiện tham khảo thông minh mà không làm theo một cách máy móc.
Có tinh thần vượt qua các giới hạn truyền thống của ngành
Các khả năng đổi mới, lập mô hình kinh doanh, hoặc tiến hành chuyển đổi số nếu dựa vào quan điểm truyền thống của ngành đang hoạt động thì có thể làm cho kết quả nhận được sẽ rất hạn chế. Các lãnh đạo của Facebook, Amazon hay Google ít khi quan tâm đến việc họ đang hoạt động trong ngành nào. Cái mà họ quan tâm nhất lại là khoảng cách cần phải khắc phục đối với mong đợi của khách hàng. Khách hàng của họ thực sự đứng ở trung tâm mà không phải là các giới hạn truyền thống của ngành hoạt động làm họ vướng bận.
Có quan điểm xem đổi mới không chỉ hạn hẹp trong việc sáng tạo
Thực ra sáng tạo chỉ là một trong năm hành vi cần có để mang lại sự đổi mới. Sáng tạo mới là sinh ra ý tưởng, còn cần những câu hỏi thách thức như kiểu: “Tại sao chúng ta làm như vậy? Việc này có thực sự hữu ích không? Khách hàng có sẵn sàng mua không?”
Tiếp theo là hành vi tổ chức việc hợp tác, rồi đến thực sự xây dựng điều muốn làm và cuối cùng là thương mại hóa từ đổi mới này.
Khả năng lập các nhóm/đội có được chỉ số vượt nghịch cảnh cao (AQ)
Ngoài chỉ số thông minh (IQ) và chỉ số cảm xúc (EQ) khá quen thuộc, thời buổi chuyển đổi số cần lãnh đạo có thêm khả năng tạo dựng các đội/nhóm có được chỉ số AQ cao (AQ được hiểu là chỉ số vượt khó, Adversity Quotient). Khi AQ cao thì việc giữ chân nhân viên rất cần thiết do chuyển đổi số không còn theo cung cách làm việc truyền thống nữa, và đòi hỏi những con người vượt nghịch cảnh để về đích.
Khả năng này có liên quan đến khả năng lãnh đạo biết coaching cho người khác. Khi giúp nhân viên vượt qua nghịch cảnh, người lãnh đạo đã tạo ra sự bền bỉ cho đội ngũ của họ một cách lâu dài.
Hiểu được không bao giờ kết quả đầu ra chỉ là thuần số
“Số” rốt cuộc là công cụ mà không phải đích đến cuối cùng. Ví dụ các bà nội trợ thì họ không thích mua trực tuyến các món gia vị bằng cách tự tay họ chọn lựa các gia vị ngay tại cửa hàng. Như vậy chuyển đổi số phải có sự tính toán, và chắc chắn đó không nhất thiết phải là yêu cầu 100% mọi việc cuối cùng đều phải là ở dạng số.
Có tinh thần say mê công nghệ và lan truyền được điều ấy cho con người của mình
Khả năng này hay bị bỏ qua. Thời buổi chuyển đổi số cần lãnh đạo biết nhiều hơn về công nghệ để có thể đánh giá đúng các cơ hội đang đến với tổ chức. Quan trọng là người lãnh đạo biết truyền niềm say mê công nghệ ấy cho người của mình. Ví dụ khi hỏi nhân viên họ làm gì vào thời gian nhàn rỗi, có thể nhân cơ hội đó nhân lên sự say mê công nghệ ở nhân viên.
Thực ra danh sách các năng lực lãnh đạo cần trang bị thêm trong thời buổi chuyển đổi số chưa phải là đã chấm dứt. Các năng lực như đổi mới, tư duy chiến lược… vốn đã hình thành từ trước thời buổi chuyển đổi số, cũng như những năng lực đặt bài toán, hợp tác với tư vấn bên ngoài trong giải quyết các vấn đề của tổ chức, tổ chức triển khai đúng cách mô hình kinh doanh và tổ chức ứng dụng công nghệ vào tổ chức và kinh doanh, luôn đồng hành với người lãnh đạo từ rất lâu rồi, thì nay khi chuyển đổi số những năng lực này không những không phôi pha đi mà lại là phát triển lên một trình độ mới cao hơn, mạnh mẽ hơn…
*Bài viết này lấy cảm hứng từ ý kiến của Kasey Panetta, và Mary Mesaglio của Gartner.
———
Ông Trương Chí Dũng là Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển, đồng thời là thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Giải pháp Vốn nhân lực Le & Associates (L & A). Ông có hơn 30 năm kinh nghiệm quản lý và phụ trách các dự án về giáo dục, đào tạo. Ông Dũng tốt nghiệp MBA chuyên ngành thương mại điện tử, Đại học Rushmore. Grand Cayman, Cayman Islands. Ông thông thạo Tiếng Việt, Tiếng Anh và Tiếng Pháp.
———
Chuyên đề: Toward HR Digital Age – TIẾN VÀO THẬP KỶ NHÂN SỰ SỐ
“Toward HR Digital Age – Tiến vào Thập kỷ Nhân sự Số” là chuyên đề nội dung được thực hiện bởi các Chuyên gia Nhân sự L & A nhằm chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ vào công tác Nhân sự, giúp các nhà lãnh đạo và cấp quản lý tại các công ty thúc đẩy hiệu quả vận hành doanh nghiệp.
Xem chi tiết các bài viết trước:
Kỳ 1: Những khái niệm “Số” của ngành Nhân sự
Kỳ 2: Chuyển đổi số từ góc nhìn người lao động
Kỳ 3: Chuyển đổi số từ góc nhìn Doanh nghiệp – Những trăn trở của các nhà lãnh đạo
Kỳ 3 (TT): Chuyển đổi số từ góc nhìn Doanh nghiệp – Nền tảng cần & Điều kiện đủ cho giai đoạn mới của tổ chức