Tổ chức Zenger Folkman hàng đầu thế giới về phát triển năng lực lãnh đạo vừa giới thiệu phần 1 của ebook “New insights to become an Extraordinary Leader”. Phần 1 đề xuất 12 cách giúp người lãnh đạo cải thiện các yếu tố hoặc hành vi quan trọng để tạo ra hiệu quả đột phá và chuyển đổi từ người lãnh đạo tốt lên kiệt xuất.
Là đối tác chính thức của Zenger Folkman tại Việt Nam, Le & Associates hân hạnh chia sẻ nội dung này để lan tỏa tinh thần học hỏi và phát triển năng lực lãnh đạo giúp các doanh nghiệp vững vàng đối diện với những thách thức đang diễn ra.
Lời khuyên số 1: Quyết định trở thành người lãnh đạo xuất sắc (xem tại đây)
Lời khuyên số 2: Phát triển và bộc lộ phẩm chất cá nhân
Người lãnh đạo thường bị đặt vào tình thế khó khăn giữa hai thái cực gần như đối nghịch nhau. Đầu tiên, nhà lãnh đạo phải sẵn sàng đảm nhiệm vai trò của mình. Điều đó có nghĩa là chủ trì cuộc họp từ dẫn dắt nội dung họp đến động viên người rụt rè hoặc kiềm chế kẻ to tiếng. Nó có nghĩa là nói “không” với một đề xuất chi tiêu mà ngân sách không thể đáp ứng. Nó cũng có nghĩa cho nghỉ việc người bạn lâu năm làm việc bết bát. Làm lãnh đạo đồng nghĩa với việc sẵn sàng chịu trách nhiệm và đảm bảo đội nhóm hoạt động hiệu quả.
Chúng tôi đã quan sát một trưởng khoa mới được bổ nhiệm tại một trường đại học. Người này muốn duy trì quan hệ thân thiết với các đồng nghiệp trong khoa và thực tế, không muốn thay đổi bất kỳ điều gì. Vị trưởng khoa mới tiếp tục hành xử và trò chuyện giống như các giảng viên trong khoa (bao gồm những lời phàn nàn không tránh khỏi về vấn đề quản trị nội bộ). Chỉ trong vài tuần có thể thấy người này sẽ thất bại trong vai trò mới vì anh ta không sẵn sàng đón nhận những đòi hỏi của vai trò mà mình được chỉ định.
Lời khuyên cho tất cả người lãnh đạo là hãy giữ thái độ khiêm tốn. Sẵn sàng cười nhạo chính mình. Đừng phô trương quyền hành mà bạn có. Sự khiêm tốn sẽ giúp bạn rút ngắn khoảng cách và mở cửa cho các mối quan hệ hữu hảo. Người lãnh đạo cần tìm cho mình sự trợ giúp để hiểu thấu cách mọi người đang nhìn nhận về bạn. Sự trợ giúp có thể đến từ một cố vấn (mentor). Cũng có thể là đồng nghiệp hoặc cấp dưới đáng tin cậy. Đó cũng có thể là quá trình đánh giá phản hồi 360 độ. Cho dù là gì đi chăng nữa, người lãnh đạo nên có “trực giác” về cách mọi người nhìn nhận mình như thế nào. Họ cần biết họ có đang được tín nhiệm hay không. Không có sự tín nhiệm, việc tạo ảnh hưởng mạnh mẽ trong đội ngũ là điều không thể.
Ngoài ra, hãy thận trọng với các cam kết bạn đưa ra, và đảm bảo luôn giữ lời. Cẩn thận để không nói suông hoặc hứa hẹn quá mức. Chắc rằng sẽ có một số người đang thắc mắc, “Liệu người ta có thể thay đổi tính cách không?” hay “Cách tốt nhất để sửa đổi bản tính cố hữu của tôi là gì?” Đáp án cho các câu hỏi trên có thể sẽ gây bất ngờ đối với nhiều người!
Chúng ta thường tin rằng tính cách, thái độ, hành vi là một trật tự có liên quan với nhau. Tuy nhiên, thực tế là, mọi người có xu hướng điều chỉnh thái độ và tận cùng là tính cách nương theo hành vi của mình. Nguồn gốc bắt đầu chính là ở hành vi. Do đó, việc tham gia vào các chương trình cải thiện kỹ năng giao tiếp và ứng xử sẽ có tác động mang tính quyết định đến thái độ của những người tham gia. Khi mỗi người học hỏi và thực hành hành vi mới, sẽ có sự chuyển hóa mạnh mẽ về mặt thái độ và sau cùng là tính cách của họ. Do đó, trật tự đúng thật ra là hành vi, thái độ, tính cách.