Tổ chức Zenger Folkman hàng đầu thế giới về phát triển năng lực lãnh đạo vừa giới thiệu chuỗi bài viết đề xuất các ý tưởng giúp thay đổi cách nhìn của mọi người và tổ chức về lãnh đạo, giúp người lãnh đạo cải thiện các yếu tố hoặc hành vi quan trọng để tạo ra hiệu quả đột phá và chuyển đổi từ người lãnh đạo tốt lên kiệt xuất.
_____________________________
Có thể thấy rõ các hoạt động kinh doanh đang diễn ra ngày càng nhanh hơn. Vì thế, lãnh đạo các cấp cần biết cách theo kịp nhịp độ. Nói thì dễ nhưng làm có được không? Có mối tương quan nào giữa tốc độ và hiệu quả lãnh đạo hay không? Nhất là trong vấn đề quản lí nhân sự và đào tạo nhân lực. Câu trả lời là “Có”.
Gần đây, chúng tôi phân tích bài đánh giá 360 độ của hơn 50.000 nhà lãnh đạo để đánh giá xem tốc độ có ảnh hưởng đến ấn tượng của đồng nghiệp về hiệu quả lãnh đạo tổng thể của mỗi nhà lãnh đạo không. Chúng tôi đã tạo ra “chỉ số tốc độ” để đo lường tốc độ theo ba cách đơn giản: có thể phát hiện sớm các vấn đề/xu hướng, có thể phản ứng với các vấn đề nhanh chóng và có thể làm ngay các thay đổi cần thiết. (Nếu bạn muốn đánh giá và so sánh tốc độ của mình, hãy thực hiện Đánh giá Pace của chúng tôi để có cái nhìn chân thực nhất.)
Sau đó, chúng tôi tập trung vào các nhà lãnh đạo xuất sắc (những người được đồng nghiệp đánh giá có hiệu quả lãnh đạo nằm trong nhóm 10% cao nhất). Từ đó, xem xét chỉ số tốc độ có điểm cao thì tương quan như thế nào với xếp hạng hiệu quả lãnh đạo tổng thể.
Kết quả cho thấy, 2% trong số 5.711 nhà lãnh đạo hàng đầu này (khoảng 114 người) được đánh giá là đặc biệt nhanh nhưng không đặc biệt hiệu quả; 3% (khoảng 170 người) được đánh giá là có hiệu quả cao (mọi người tin tưởng việc họ làm là đúng) nhưng không đặc biệt nhanh. Và toàn bộ 95% (hơn 5.400 người) được đánh giá là vừa hiệu quả vừa nhanh chóng. Điều này có nghĩa là, làm việc hiệu quả thì tốt hơn một chút so với làm việc nhanh chóng, nhưng thực tế là cả hai đều cần thiết. Chỉ riêng một yếu tố thì không đủ để được coi là một nhà lãnh đạo xuất sắc trong thời đại này, nhất là khi việc quản lí nhân sự thì luôn đòi hỏi ngày một cao về kỹ năng và chuyên môn của người lãnh đạo.
Điều gì tạo nên một nhà lãnh đạo vừa nhanh vừa giỏi? Chúng tôi phân tích dữ liệu phản hồi 360 độ từ hơn 700.000 đồng nghiệp. Từ đó, xem xét điều gì làm các nhà lãnh đạo nhanh và hiệu quả khác biệt so với những người không đủ nhanh, hoặc “chạy” quá nhanh rồi vấp ngã. Dưới đây là năm yếu tố hàng đầu, được liệt kê theo thứ tự giảm dần.
- Những người làm việc chung tin tưởng vào khả năng phán đoán tốt và đưa ra quyết định hiệu quả của họ. Nếu thiếu mất niềm tin, các đồng nghiệp sẽ bác bỏ hoặc không đồng ý việc “chạy” nhanh. Để xây dựng niềm tin cũng không phải là bất khả thi: Các nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm được tín nhiệm nhờ vào thành tích có nền tảng từ các mối quan hệ tích cực và chuyên môn cao. Nếu bạn chưa quen với một vai trò nào đó và đồng nghiệp chưa hiểu đủ rõ để tin tưởng vào đánh giá của bạn, bạn cần phải xây dựng niềm tin bằng cách đưa ra các phân tích mà bạn đã làm để đi đến quyết định đó. Bạn cũng nên chia sẻ quyết định của mình với một người được những người còn lại tin tưởng và tranh thủ sự ủng hộ của họ.
- Họ thể hiện tầm nhìn và chiến lược rất rõ ràng cho đồng nghiệp. Khi mọi người có thể nhận ra bối cảnh hành động, họ có thể thấu hiểu và thực hiện nhiệm vụ của mình nhanh chóng hơn. Việc “chạy” nhanh sẽ không khó một khi mọi người đều biết rõ bạn sẽ đi đâu. Và điều quan trọng không kém là bạn sẽ không đi đâu. Ngược lại, khi mọi người không thể nhìn thấy con đường phía trước thì đơn giản là họ sẽ không vội vàng chạy. Đó là lý do vì sao tốc độ thoải mái nhất mà một tổ chức có thể “chạy” được xác định bởi mức độ rõ ràng của tầm nhìn.
- Họ thể hiện lòng dũng cảm. “Chạy” nhanh thường mang lại cảm giác rủi ro. Người muốn tránh rủi ro cá nhân sẽ có xu hướng di chuyển chậm. Nhìn chung, mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc với tốc độ ổn định. Cần rất nhiều can đảm để tiến nhanh hơn và yêu cầu người khác đi nhanh cùng bạn.
- Họ tập hợp kiến thức và chuyên môn mang tầm quốc tế. Khi các nhà lãnh đạo thiếu chuyên môn, họ phải dừng lại và “làm bài tập về nhà”. Thiếu kiến thức khiến bạn rơi vào vùng chưa được khám phá, nơi bạn có khuynh hướng chậm chạp và cẩn trọng. Ngược lại, một khi đã sở hữu hoặc tiếp cận với chuyên môn mang tầm quốc tế, bạn sẽ làm việc nhanh hơn và đưa ra quyết định tốt hơn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi, lòng tự hào đôi khi cản trở người ta tìm kiếm kỹ năng chuyên môn để đẩy nhanh quá trình. Thế là, họ đặt sự tự tin vào sai tình huống và chọn cách tự giải quyết vấn đề.
- Họ đặt ra các cột mốc mục tiêu. Mục tiêu dễ dàng cho phép mọi người có nhiều thời gian để đạt được chúng một cách nhàn nhã. Các cột mốc mục tiêu củng cố nhu cầu “chạy” nhanh. Nhờ vậy, mọi người tiếp tục làm việc cật lực thay vì ngồi đó suy ngẫm.
Thật thú vị khi tốc độ ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta rất thường xuyên. Thực tế là vậy – chậm chạp thường rất nhàm chán. Hãy nghĩ đến những đồng nghiệp của bạn: những người giữ cho mọi thứ diễn ra nhanh chóng so với những người di chuyển cân nhắc để đảm bảo rằng mọi thứ đã hoàn thành. Một điều chắc chắn là, tốc độ không thể thay thế khả năng phán đoán. Và tất nhiên, tốc độ quá nhanh có thể khiến mọi người cảm thấy vội vã và mệt mỏi. Nhưng nếu công ty của bạn đang thiếu năng lượng, có lẽ đã đến lúc cân nhắc việc tăng tốc. Và đây cũng là yếu tố mà các nhà quản lí nhân sự cần quan tâm để công việc được diễn ra trôi chảy nhất.
– Joe Folkman & Jack Zenger