Blog nhân sự

“Kiến tạo giá trị gia tăng” từ chính mình đến người khác

Nhan Húc Quân, TGĐ Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam

Tôi đến với khóa học MBA của Viện Marketing và Quản trị Việt Nam với mục đích duy trì và tiếp tục phát triển sự học của mình. Tôi tin chắc một điều rằng thông qua việc học với đầy đủ mười môn học quản trị được chắt lọc, cô đọng và chia sẻ bởi các giảng viên giàu kinh nghiệm hàn lâm lẫn kinh nghiệm cuộc sống, ắt sẽ mang lại nhiều điều thú vị và bổ ích, giúp tôi bổ sung vốn kiến thức quản trị, hiểu biết thêm các nguyên tắc, các kỹ năng lãnh đạo thiết yếu, các phương pháp làm việc khoa học, từ đó, hội đủ bản lĩnh và sự tự tin cùng với đội ngũ lãnh đạo kiến tạo giá trị gia tăng cho NEW TOYO (VIỆT NAM).

Ở đâu, ở tầng lớp nào, cấp độ nào trong xã hội, hay tổ chức, cũng đều cần có người lãnh đạo. Lãnh đạo là một công việc đầy thử thách và kịch tính, có ảnh hưởng tới một cá thể hay một tập thể, tạo thành sự hợp tác để đi đến một kết quả cụ thể nào đó hoặc hướng đến một mục tiêu chung, một sứ mệnh vĩ đại. Tôi rất tâm đắc với lời khẳng định của Tiến sĩ John C. Maxwell: “Lãnh đạo là tạo ảnh hưởng lên người khác”; “Mọi thành bại đều do nghệ thuật lãnh đạo, song biết cách lãnh đạo mới chỉ làm nên nửa cuộc chiến. Hiểu nghệ thuật lãnh đạo và thật sự lãnh đạo là hai việc hoàn toàn khác nhau.”

Tạo sự tin tưởng, yêu mến để thu hút những người phù hợp sẵn lòng đi theo sự lãnh đạo của mình đòi hỏi người giữ vai trò lãnh đạo, đặc biệt ở vị trị một tổng giám đốc hoặc giám đốc điều hành doanh nghiệp phải am hiểu các nguyên tắc và hội đủ các kỹ năng lãnh đạo, đặc biệt, cần chú trọng tính nhân văn và đạo đức trong kinh doanh.

Ở vị trí lãnh đạo cao nhất là người luôn phải đứng mũi chịu sào trước biết bao áp lực hữu hình và vô hình, trước một thế giới luôn biến động khôn lường, trước một xã hội đang diễn ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, trước một văn hóa sao chép đang rất thịnh hành trong môi trường kinh doanh, những hiện tượng “mua lại” và “sáp nhập” đang diễn ra ngày. Tất cả cho thấy rằng sự sống còn của một doanh nghiệp đòi hỏi sự tương hỗ từ nhiều nguồn lực khác nhau và tuyệt nhiên nguồn nhân lực là yếu tố chiếm tỷ trọng cao nhất bởi người đứng đầu cùng với đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp luôn phải quản trị sự thay đổi trong một thế giới luôn có nhiều đổi thay.

Cho dù bạn nắm vai trò quản lý hay lãnh đạo, trước thêm nhiệm kỳ mới, chắc chắn bạn sẽ có nhiều trăn trở suy nghĩ về định hướng phát triển của công ty. Xin tặng bạn câu nói rất ý nghĩa của Tiến sĩ John C. Maxwell trong cuốn sách 17 nguyên tắc vàng trong làm việc nhóm: “1 là con số quá nhỏ để làm nên điều vĩ đại.”

Tạo giá trị

Làm sao để tập hợp được những con người có sức ảnh hưởng tốt trong “vòng tròn ảnh hưởng” của mình để khuếch đại chu vi, tiến tới xây dựng một văn hóa chủ động trong doanh nghiệp? Một thế giới phẳng, một thời kỳ hội nhập sâu rộng vào WTO, một kỷ nguyên công nghệ Internet bùng nổ đang sừng sững đứng trước mặt với biết bao sự tiện lợi, cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức và cám dỗ chực chờ. Nơi đó sẽ không còn chỗ dành cho những cá nhân hay tập thể trì trệ, phân hóa (chỉ biết nghĩ đến chính mình).

Ý niệm “thu thập những nhận thức, nhận định” chia sẻ từ những người đồng chí hướng trong đội ngũ quản lý cấp cao dưới đề tài Kiến tạo giá trị gia tăng cho bản thân và người khác chợt nảy sinh trong đầu tôi. Thế rồi lời mời gọi được mọi người ủng hộ và nhiệt tình đá p lại. Tôi vội vàng tổng hợp những “góc nhìn” của đồng nghiệp để hòa cùng với thông điệp đã ăn sâu trong suy nghĩ và nhận thức của mình nói trên.

Xã hội được hình thành từ con người, do con người kiến tạo. Trong suốt cuộc đời từ vô thức khi mới sinh ra cho đến khi trang bị đầy đủ nhận thức tới lúc trưởng thành, mỗi con người đều tự trang bị cho bản thân những “giá trị gia tăng” (tích cực hoặc tiêu cực) nhằm thích nghi với cuộc sống, hoàn thiện dần bản thân để vươn lên định vị giá trị của mình với bạn bè, gia đình, họ tộc và xã hội.

Có một điều mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều tán thành là trong thời đại ngày nay, sức mạnh, ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp không còn dựa trên số lượng nhân công doanh nghiệp đang sở hữu, mà ngày càng dựa trên chất lượng của những con người cùng nhau xây đắp giá trị cho doanh nghiệp. Chính các giá trị gia tăng của nguồn nhân lực ấy đòn bẩy giúp doanh nghiệp phát triển nhanh với cáp số nhân và tạo nên ưu thế vượt trội khi so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành hàng khác.

“Giá trị gia tăng” của bản thân sẽ không do mình tự xác định và công bố hoặc nói cách khác là “tự gán cho mình”. Mà nó là sự cảm nhận, sự ghi nhận và đánh giá thông qua nhận định của người khác (thuộc cấp, đồng nghiệp, cấp trên, đối tác, cơ quan chủ quản, chính phủ ở môi trường làm việc) qua ba điều:

  1. Những gì bạn làm được;
  2. Những gì bạn giúp người khác làm được,
  3. Những gì bạn lan tỏa ra xung quanh.kiến tạo giá trị

Thực tế cho thấy, giá trị được đo lường thông qua việc mình thực hiện các kỹ năng mềm như: trình bày, giao tiếp, nối kết, quản lý thời gian và kỷ luật với bản thân… ra sao, giá trị còn được biểu hiện qua thái độ của mình đối với công việc và mọi người xung quanh. Trong công việc, đừng lầm tưởng bất cứ việc gì mình làm cũng tạo ra giá trị. Dù mình có “cắm đầu cắm cổ” làm với tất cả mọi hăng say và nhiệt tình thì cũng chẳng đem lại ý nghĩa gì nếu không có tư duy và phương pháp làm việc đúng.

“Chúng ta không thể cho đi những gì mà mình không có”, câu nói này thường được nhắc đến trong các đầu sách về quản trị và lãnh đạo. Cho nên, một khi chúng ta đã “có” thì cần tập trung vào những công việc sản sinh ra giá trị càng nhiều thì giá trị của mình sẽ càng cao. Thời gian và sức lực của một người thì rất có giới hạn, nhưng của nhiều người thì vô hạn. Điều này có nghĩa là mình phải tạo ra được những người khác có thể làm việc như mình, xây dựng một hệ thống và văn hóa làm việc nơi công sở. Khi tạo ra được những người có thể thay thế mình tức là mình đã làm tăng giá trị của chính bản thân cũng như của người khác.

“Kiến tạo giá trị gia tăng cho bản thân” sẽ dễ làm và tương đối thuận lợi hơn bởi chúng ta hoàn toàn chủ động, hoàn toàn nhanh chóng tự thích nghi hoặc nhanh chóng thay đổi khi gặp vấn đề trở ngại. Giá trị được tạo ra bởi thời gian và quá trình làm việc đem lại lợi ích, ý nghĩa cho công việc đó. Người tự tạo ra giá trị gia tăng của bản thân hướng về lợi ích của cộng đồng cũng chính là tạo ra lợi ích cho cá nhân mình. Điều này hết sức logic, hết sức phù hợp với quan hệ nhân – quả của cuộc sống. Đó là cống hiến và nhận lại kết quả từ sự cống hiến của chính mình.

“Kiến tạo giá trị gia tăng cho người khác” cũng chính là giúp người khác làm chủ công việc và cuộc sống của mình, tạo cơ hội cho người khác được đóng góp, cống hiến, là xây dựng, nâng cấp chất lượng công việc, mở rộng các khả năng cộng tác, sự sáng tạo của mỗi người trong cộng đồng thu nhỏ của mình, để họ tự khẳng định giá trị, sống có ích với xã hội và cộng đồng. Đó là sự hình thành, bồi dưỡng, phát triển những yếu tố tri thức thuộc phạm trù trí tuệ được tích lũy dần theo năm tháng, để hình thành nên tính cách – trình độ – sự hiểu biết – kỹ năng – đạo đức của những con người trưởng thành, những con người có phẩm chất đạo đức và nhân cách tốt.

tạo nên giá trị

Thông thường, những gì mình học hỏi được từ thành công thường rời bỏ khá nhanh ra khỏi đầu óc, còn những bài học bổ ích mà mình rút ra từ sự thất bại thì lại bám rễ sâu trong ký ức suốt nhiều năm, bởi một điều giản đơn đó là thất bại bởi lý do ta không biết phát huy “giá trị gia tăng” của bản thân.

Giá trị mà chúng ta trao đi và nhận lại luôn ở bên chúng ta mỗi ngày, mỗi giờ. Mọi sự chia sẻ thật lòng sẽ tạo thành giá trị gia tăng cho bản thân mình và cho người khác mà không cần dùng đến một công cụ hay một phương pháp để đo lường hoặc đong đếm.

SUY NGẪM MỖI NGÀY

Có một cái cây cành lá sum sê nhìn cây ăn trái bên cạnh, tỏ ý chê bai:

– Bạn không được như tôi! Bạn không có nhiều lá nên không thế cất tiếng vi vu trong gió để người ở xa cũng có thể nghe được.

Cây ăn trái tự tin trả lời:

– Không sao cả. Mỗi loại cây đều có một giá trị riêng, không thể so sánh. Giá trị của tôi không nằm ở những lời ồn ào để thu hút sự chú ý mà trái ngon ngọt đã nói thay lời cho tôi rồi.

Facebook
LinkedIn
Email
Print

Quý khách cần liên hệ tư vấn ?

Vui lòng liên hệ qua biểu mẫu trực tuyến, gọi điện cho chúng tôi qua email: cs@l-a.com.vn hoặc sđt: 0902 989 578
Để chấp thuận bảo mật thông tin theo Chính Sách Bảo Vệ và Xử Lý Dữ Liệu Cá Nhân và tiếp tục truy cập vào trang web của L & A, Quý khách vui lòng nhấn nút “Đồng ý”.
Call Now Button