L & A vui mừng hợp tác với First News để lần lượt giới thiệu các đầu sách giá trị trên thế giới do First News chuyển ngữ. Tác phẩm “Muôn kiếp nhân sinh” do giáo sư người Việt với bút danh Nguyên Phong (tên thật Vũ Văn Du, hay còn gọi là John Vu) đã tạo nên một hiện tượng lan tỏa trong cộng đồng người mê sách mới đây có nội dung đề cập về quy luật vũ trụ “nhân quả”, nhân duyên.
Cuốn sách “thể hiện sống động về những kiếp sống huyền bí, trải dài từ nền văn minh Atlantis hùng mạnh đến vương quốc Ai Cập cổ đại của các Pharaoh quyền uy, đến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ngày nay. Qua đó, sách cung cấp cho bạn đọc kiến thức cùng những phân tích, tiên đoán về hiện tại và tương lai thế giới từ những bậc hiền triết”. Trong một đoạn sách có viết: “Mọi sự, mọi vật đều do nhân duyên hòa hợp mà thành, tất cả đều nương vào nhau, nhân sinh quả, quả lại sinh nhân, lớp lớp trùng trùng, có khi dung thông, có khi đối chọi, ảnh hưởng lẫn nhau mà sinh ra, không một cái gì có thể tự tồn, tự lập riêng rẽ”.
TRÍCH ĐOẠN
“Vào một ngày cuối thu, tôi đến thăm Thomas tại căn nhà nghỉ mát của ông ở Colorado. Hôm đó chỉ có hai người, tự nhiên ông hỏi:
– Anh là người nghiên cứu về khoa học và công nghệ nhưng có bao giờ anh nghĩ rằng trong sự tiến bộ lại ẩn giấu mầm mống tai họa mà không ai ngờ đến không? Thí dụ như sự phát minh ra thuốc súng châm ngòi cho những cuộc chiến tranh khốc liệt. Sự tiến bộ của khoa học về nguyên tử đưa đến thảm họa chiến tranh hạt nhân (…). Anh hãy nhìn bọn trẻ mà xem. Thay vì học, chúng chỉ biết theo dõi mọi thứ qua chiếc iPhone và bị “thôi miên” trong một “thế giới ảo” qua chiếc màn ảnh nhỏ bé này (…).
Quả như ông Thomas nói, ngày nay sinh viên của tôi không còn chăm chỉ học như trước. Nhiều người đến lớp nhưng bị xao lãng bởi những tin tức trong chiếc iPhone và không chú tâm vào những điều giảng dạy. Tôi thường phải nhắc nhở họ chăm chú nghe bài giảng nhưng chỉ vài phút sau, một số lại lén lút rút iPhone ra, lướt Facebook, rồi gửi tin nhắn cho nhau (…).
Ông im lặng một lúc như để hồi tưởng về một điều gì đó, rồi nói tiếp:
– Nếu không ý thức rõ ngay từ lúc này, sự thông minh của chúng ta sẽ dần dần bị thay thế bởi những hiện tượng tâm thức máy móc mà chúng ta cho là tiến bộ. Chúng ta phải biết phân biệt giữa bộ óc thông minh (intelligence) và trí tuệ nội tại (wisdom). Thông minh mà thiếu trí tuệ sẽ đưa con người vào những nhận xét mê lầm. Khi đó, con người sẽ trở thành những cái máy, những “xác sống”. Bộ óc không biết suy nghĩ sẽ dễ dàng bị kiểm soát để làm những việc phi nhân tính. Trong tương lai, nếu không biết sử dụng bộ óc để phân biệt phải trái, đúng sai, con người sẽ trở thành những cái máy chỉ biết làm những gì được sai khiến.
Ông Thomas ngừng lại như để cho tôi suy nghĩ về điều ông nói, rồi tiếp tục với một lời lẽ xúc động:
– Hiện nay anh cũng biết với sự tiến bộ của khoa học, người ta có thể ghép những tế bào của con vật vào cơ thể con người hay đặt vào cơ thể con người những máy móc gọi là “trí tuệ nhân tạo” khiến họ phát triển những khả năng mà người thường không thể làm được. Anh có thể coi đó là người hay là “nửa người, nửa siêu nhân” (cyborg) cũng được. Anh có biết hệ quả của việc này thế nào không?
(…) Như anh đã biết về chu kỳ “thành, trụ, hoại, diệt”, mỗi người, cũng như mỗi quốc gia, đều không thể tránh khỏi. Ngay như trái đất cũng thế, nó cũng phải trải qua thời gian được hình thành, phát triển, rồi suy thoái và tàn lụi. Tuy nhiên, đời người thì ngắn mà sự thay đổi của một quốc gia hay một nền văn minh thì kéo dài lâu hơn nên không ai ý thức được điều này. Nếu nhìn vào lịch sử, anh có thể thấy những nền văn minh phát triển cực thịnh rồi suy tàn (…).
Tôi không ngờ một người vốn ít nói như Thomas lại hùng hồn với một nhận xét sâu sắc như thế. Điều ông nói cũng là điều mà tôi đang băn khoăn. Trong cuộc nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo (AI) và học máy (machine learning), tôi đã bàng hoàng khi thấy những con robot thông minh trong phòng thí nghiệm tại Đại học Carnegie Mellon có thể làm được những điều mà chúng tôi không ngờ. Khi tôi cài những thuật toán học máy phức tạp vào những con robot này để chúng chơi cờ vua với nhau, chúng đã có thể học hàng trăm nước cờ để thắng đối thủ, điều mà tôi và các giáo sư tại đây không ngờ là những con robot “vô tri giác” này lại có thể tìm cách lừa nhau để thắng cuộc – không phải bằng việc đoán trước nước cờ của đối thủ, mà tìm cách lừa bịp lẫn nhau và đây là điều chúng tôi không hề lập trình cho chúng. Sự tiến bộ của trí thông minh nhân tạo đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của những người như chúng tôi”.
** Bạn có thể đặt mua sách tại đây: https://tiki.vn/muon-kiep-nhan-sinh-many-lives-many-times-p54748899.html?spid=55313929