Rất nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang bước vào giai đoạn suy thoái trong thời gian tới và đó là lý do bạn cần chủ động dự tính lâu dài cho công việc của bạn ngay vào lúc này. Bất kỳ ai trong ngành tư vấn nhân sự cũng có thể bị mất việc như chúng ta đã chứng kiến trong các cuộc khủng hoảng trước đây và trớ trêu là những người làm nhân sự không phải lúc nào cũng là “chuyên gia” trong việc “bảo hiểm” nồi cơm của chính họ.
Tin tốt là có tới 10 cách giúp bạn đương đầu với suy thoái kinh tế và tiếp tục phát triển sự nghiệp .
1. Đánh bóng lại CV
Nếu đã lâu bạn không ngó ngàng đến CV của mình thì đây là lúc bạn cần lôi ra để “sửa sang”. Ngoài việc làm nổi bật những thành tích trong công việc tư vấn nhân sự gần nhất (ví dụ như lập kế hoạch giảm tỉ lệ nghỉ việc 20%), hãy chắc chắn gạch bỏ những kỹ năng hay các kiến thức lỗi thời. Việc cập nhật profile Linkedln của bạn cũng theo quy trình tương tự.

2. Kết nối lại với các mối quan hệ cũ
Trong hoàn cảnh lý tưởng, bạn sẽ giữ liên lạc với tất cả mối quan hệ trong công việc, thậm chí các headhunter để khi cần thiết thì nhờ giới thiệu “job” hoăc xác minh thông tin (reference). Tiếc là “xa mặt cách lòng” nên chúng ta thường mất liên lạc với sếp cũ hoặc đồng nghiệp cũ. Bạn có thể chủ động gửi cho người đó một tin nhắn ngắn gọn với dòng chủ đề đơn giản như “Lời chào từ đồng nghiệp cũ tại công ty XYZ – rất vui nếu có thể kết nối lại.” Ở phần nội dung hãy viết điều gì ý nghĩa để xóa tan khoảng cách ngại ngùng, ví dụ: “Mình có đọc bài báo này và nó làm mình nhớ đến dự án tư vấn nhân chúng ta từng làm chung vài năm trước”, sau đó hãy đề nghị một cuộc trò chuyện qua điện thoại hoặc hẹn gặp tại quán cà phê.
3. Làm bạn với sếp
Không có gì ngạc nhiên là nhiều quản lý cũng như người tư vấn nhân sự đối xử thiên vị, đặc biệt khi cân nhắc tăng lương hay thăng chức. Tuy nhiên, được yêu thích cũng là một yếu tố quan trọng để tồn tại. Nếu cấp trên không thích bạn, bạn sẽ là người đầu tiên họ cho thôi việc nếu họ phải sa thải nhân viên. Vì vậy bạn cần có mối quan hệ tốt với sếp của mình.
Một cách để xây dựng mối quan hệ là tìm ra những điểm chung. Bạn có sở thích nào chung không? Bạn có thích xem chương trình TV nào giống sếp? Hai người có con cái trạc tuổi hay không? Đây đều là những chủ đề tốt để giúp bạn rút ngắn khoảng cách. Nếu không thể tìm ra điểm chung thì hãy tập trung vào một niềm vui trong cuộc sống thường ngày của sếp bằng cách hỏi thăm ví dụ “Buổi diễn văn nghệ của con gái anh tuần trước diễn ra thế nào?”

4. Thường xuyên cập nhật thành tích với cấp trên
Để bảo vệ vị trí của mình, bạn không chỉ là nhân viên giỏi mà còn phải biết tự quảng bá bản thân mình, Hãy đặt lịch họp cá nhân định kỳ với sếp để bạn có thể chứng minh các giá trị bạn đang mang lại cho công ty. Bạn không nên chờ tới kỳ đánh giá hàng năm để trao đổi về hiệu quả công việc của mình.
Trong giai đoạn thăng trầm, hãy đảm bảo bạn đang làm những việc đáp ứng thứ tự ưu tiên của sếp. Mỗi người sếp có những tiêu chí riêng về hiệu quả nên bạn cần làm rõ thành công nào là có ý nghĩa đối với sếp mình.
5. Tăng cường sự xuất hiện trong nội bộ
Nếu bạn muốn có sự ổn định trong công việc, hãy cố gắng trở nên nổi bật so với các đồng nghiệp. Bắt đầu bằng việc đề xuất để sếp cho bạn đi theo trong các buổi họp quan trọng. Tận dụng cơ hội tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao khi tham gia hoạt động tình nguyện hoặc sự kiện nội bộ của công ty. Nếu cấp trên của sếp bạn không biết bạn là ai, bạn có nguy cơ thuộc diện “cá nằm trên thớt” trong kỳ sa thải tới.
6. Xây dựng hình ảnh chuyên gia
Thường xuyên tham gia sự kiện & hoạt động bên ngoài giúp bạn trở thành một nhân viên có giá trị và không thể thiếu. Những việc sau giúp bạn phát triển hình ảnh bản thân như là một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn nhân sự của mình:
- Tham gia vào các hiệp hội nhân sự và sự kiện cộng đồng để tìm kiếm cơ hội thể hiện bản thân mình
- Phát biểu tại các diễn đàn, hội thảo nhân sự hoặc tình nguyện dẫn dắt phiên thảo luận với các tham vấn viên về chủ đề mà mình đam mê.
- Xuất hiện như một chuyên gia trên mạng xã hội hoặc kênh truyền thông. Bạn có thể “phô diễn” chuyên môn và chia sẻ quan điểm cá nhân bằng cách viết blog hoặc đăng bài trên Linkedln.
7. Tạo thêm nguồn thu nhập
Tìm kiếm công việc tay trái, ví dụ như tư vấn nhân sự hay cộng tác viên tuyển dụng, trong khi bạn đang làm việc toàn thời gian sẽ có ích nếu bạn bị buộc thôi việc đột ngột.
8. Chuẩn bị quỹ dự phòng
Trong trường hợp không may bị mất việc, đó là lúc bạn cần quỹ dự phòng để chi trả các chi phí sinh hoạt trong khi tìm công việc tư vấn nhân sự mới. Thông thường, chúng ta nên có sẵn khoản dự phòng đủ để trang trải các chi phí thiết yếu từ ba đến sáu tháng như tiền nhà, ăn uống, điện nước… Hãy giữ số tiền này trong tài khoản tiết kiệm để dễ quản lý mà vẫn kiếm được một ít tiền lãi.
9. Phát triển các kỹ năng mà thị trường đang cần
Một cách giúp bạn “bảo hiểm” công việc trong lúc suy thoái là trang bị các kỹ năng chuyên môn và thường xuyên cập nhật kiến thức. Nói cách khác, bạn cần sở hữu những kỹ năng HR mà các công ty đòi hỏi.
Hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu công nghệ AI, phân tích dữ liệu và giải pháp điện toán đám mây, ba nhóm quan trọng nhất của công nghệ nhân sự (HR technology) ngày nay. Al đang được sử dụng để tăng tốc độ tuyển dụng và quản lý năng suất làm việc bằng cách lựa chọn và phân tích dữ liệu thiết yếu. Nhiều nhà tuyển dụng tìm kiếm người làm nhân sự hiểu việc triển khai và quản lý hệ thống thông tin nhân sự (HRISs) để số hóa và lưu trữ hồ sơ, phúc lợi và lương thưởng của nhân viên. Ngoài ra ngày càng nhiều công ty chuyển sang các giải pháp điện toán đám mây để lưu trữ việc tính lương, phúc lợi và thông tin tuyển dụng.
10. Tham gia vào chương trình cố vấn (mentor) của công ty bạn
Hướng dẫn cho nhân viên cấp dưới cũng là cách để bạn đóng góp cho công ty và giá trị đem lại không hề nhỏ. Trở thành cố vấn còn là cơ hội học hỏi vì bạn cũng có thể mở mang vài điều mới mẻ từ chính người được mình “đỡ đầu”.
“Lược dịch từ SHRM”