Blog nhân sự

[Tủ sách L & A x First News] – Lãnh đạo bằng sức mạnh trí tuệ cảm xúc – Những phong cách lãnh đạo uyển chuyển

Tác giả Daniel Goleman – Richard Boyatzis – Annie Mckee 

Visionary leadership là gì?
visionary-leadership-la-gi

Trên thực tế, khả năng lãnh đạo không chỉ quan trọng trong ngành kinh doanh. Khi chính phủ Anh thực hiện một nghiên cứu về mối tương quan giữa cách điều hành của 42 hiệu trưởng trường học và thành tích học tập của học sinh. Kết quả cho thấy tại 69% những trường đạt thành tích tốt, các vị hiệu trưởng đều áp dụng nhiều phong cách lãnh đạo, nhất là bốn phong cách giúp tạo sự cộng hưởng (tầm nhìn, huấn luyện, liên kết, dân chủ). Bên cạnh đó, tại 67% các trường có thành tích kém hơn, vị hiệu trưởng chỉ áp dụng chừng hai phong cách lãnh đạo, thường là hai phong cách gây mất hòa khí (yêu cầu cao độ, mệnh lệnh). Điều đó chứng tỏ rằng có mối liên hệ ngầm giữa cách các hiệu trưởng điều hành và thành tích của học sinh. Khi thầy cô hiệu trưởng uyển chuyển, linh động trong việc điều hành, tức là khi họ truyền đạt được mục tiêu của trường và chân thành lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên thì có sự cộng hưởng tích cực trong toàn thể đội ngũ giảng dạy. Còn với cách quản lý đầy cứng nhắc theo kiểu ra lệnh và áp đặt thì tinh thần của các giáo viên trở nên vô cùng tồi tệ.

Càng vận dụng bộ sáu phong cách một cách hiệu quả, nhà lãnh đạo càng gặt hái được nhiều thành công. Theo thống kê của chúng tôi, những nhà lãnh đạo áp dụng nhuần nhuyễn từ bốn phong cách trở lên, nhất là các kiểu điều hành tạo sự cộng hưởng sẽ xây dựng được bầu không khí làm việc tràn đầy cảm hứng, mang lại hiệu quả cao cho công việc. Khả năng chuyển đổi linh hoạt và hợp lý giữa các phong cách lãnh đạo không đơn thuần đến từ sự dày dặn kinh nghiệm mà còn nhờ trực giác tinh nhạy, vậy nhà lãnh đạo cần làm gì để có thể áp dụng bộ sáu phong cách một cách đúng đắn nhất?

Chọn đúng cách vào đúng thời điểm

Joan là tổng giám đốc một chi nhánh lớn của công ty thực phẩm và nước giải khát có quy mô toàn cầu. Cô được bổ nhiệm vào lúc chi nhánh đang phải đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng. Trong hơn nửa thập kỷ, chi nhánh không đạt được chỉ tiêu lợi nhuận và lần thua lỗ gần nhất lên đến năm mươi triệu đô-la. Tinh thần làm việc của nhân viên xuống dốc thảm hại, họ ngờ vực và cáu gắt lẫn nhau. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Joan giúp nhân viên toàn chi nhánh lấy lại phong độ làm việc nhờ khả năng linh động chuyển đổi giữa các kiểu điều hành. Trước tiên, cô nhận thấy sự thiếu hiệu quả của cách điều hành trước đây và tập trung vào việc thiết lập mối quan hệ, sự tin tưởng giữa mọi người trong công ty. Ngay trong tuần đầu nhậm chức, cô dành toàn bộ thời gian ăn trưa và ăn chiều để gặp mặt trò chuyện với từng thành viên trong ban quản lý. Cô không quá chú trọng vào việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hiện tại của công ty mà chủ yếu là lắng nghe để hiểu rõ hơn về cuộc sống, ước mơ và khát vọng của từng người, đó là biểu hiện của phong cách lãnh đạo liên kết.

Song song đó, Joan cũng áp dụng phong cách lãnh đạo huấn luyện nhằm tìm kiếm những cách thức giúp từng người phát triển sự nghiệp của mình. Chẳng hạn như, một giám đốc thường bị đánh giá là có khả năng hợp tác không tốt đã thổ lộ nỗi lo lắng của mình với Joan, anh bảo rằng mình cần phải thay đổi nếu muốn thành công. Nhận ra đây là một nhà quản lý tài năng và có tâm huyết với công ty, Joan hứa sẽ giúp anh khắc phục. Ngay sau một buổi họp mà anh ấy có hành vi nóng nảy với người khác, Joan hẹn gặp riêng nhằm giúp anh nhận ra hành vi của mình và tin khắc phục nó.

Sau đó, Joan tổ chức chuyến dã ngoại kéo dài ba ngày cho các thành viên trong ban quản lý. Mục tiêu của cô là thắt chặt tình đoàn kết tập thể để mọi người có thể kề vai sát cánh bên nhau trước mọi tình huống phát sinh trong quá trình làm việc. Với phong cách lãnh đạo dân chủ, Joan khuyến khích mọi người bày tỏ hết những điều khiến họ thất vọng và buồn phiền. Ngày hôm sau, khi mọi người đã sẵn sàng, Joan yêu cầu từng người đề xuất ba ý tưởng giúp giải quyết vấn đề của công ty, qua đó cô nhận thấy đa số họ có chung nỗi quan tâm đối với những việc cấp bách, như cắt giảm chi phí.

Với tầm nhìn của mình, Joan phân công trách nhiệm trong từng giai đoạn tiếp theo cho từng quản lý và yêu cầu họ hoàn thành. Chẳng hạn như trước đó, chi nhánh này đã hạ giá sản phẩm nhưng không tăng được doanh số bán hàng, lẽ ra họ phải điều chỉnh lại giá bán ngay nhưng người quản lý kinh doanh tiền nhiệm đã không quyết định dứt khoát nên vấn đề ngày càng trở nên khó kiểm soát. Giờ đây, khi đã xác định rõ giải pháp, nhà quản lý mới nhanh chóng điều chỉnh giá bán nhằm khắc phục vấn đề.

Những tháng sau đó, Joan tiếp tục dẫn dắt mọi người chủ yếu bằng phong cách tầm nhìn. Cô liên tục nhắc nhở họ về sứ mệnh mới, gợi cho từng người nhớ về vai trò quan trọng của mình. Tuy nhiên, trong những tuần lễ đầu thực hiện kế hoạch, do tình trạng cấp bách nên đôi khi Joan điều hành bằng phong cách mệnh lệnh để thúc đẩy mọi người tuân thủ kỷ luật và tập trung hoàn thành trách nhiệm của mình theo đúng tiến độ. Sau hơn nửa năm, chi nhánh này đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận hằng năm đến 5 triệu đô-la. Đây quả là một cú lội ngược dòng ngoạn mục tính từ mức thua lỗ khoảng 50 triệu đô-la trước khi Joan nhậm chức, cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm chi nhánh này hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận.

Lựa chọn phong cách phù hợp nhất

Nhà lãnh đạo xuất sắc không chỉ chọn kiểu điều hành phù hợp với tình hình, mà trên thực tế, họ còn linh động xem xét từng cá nhân, từng nhóm cộng sự nhằm tìm ra cách giải quyết đúng đắn nhất. Họ không chỉ áp dụng bốn phong cách lãnh đạo tạo cộng hưởng, mà còn áp dụng kiểu điều hành yêu cầu cao độ và ra mệnh lệnh, đặc biệt là trong những tình huống cấp bách. Khi đó, họ chú ý cư xử sao cho phù hợp và tìm cách kiềm chế cảm xúc để tránh gây xung đột. Kết quả là họ không những mang lại kết quả tốt đẹp cho doanh nghiệp, tổ chức mà còn gây dựng lòng tin, sự tận tụy và nhiệt tâm nơi thuộc cấp của mình.

Căn cứ vào tầm quan trọng của bộ sáu phong cách lãnh đạo, nhà quản lý cần tìm ngay cách áp dụng chúng vào việc tuyển dụng, thăng cấp và các quyết định về nhân sự, nhất là cho vị trí điều hành. Các doanh nghiệp, tổ chức cần tìm người có khả năng áp dụng một cách uyển chuyển, linh hoạt từ bốn phong cách lãnh đạo trở lên. Nếu không thể, hãy xem xét liệu ứng viên có áp dụng được phong cách lãnh đạo nào cần thiết cho tình hình kinh doanh của công ty, tổ chức hay không.

Chẳng hạn như, vị trí lãnh đạo của một doanh nghiệp, tổ chức đang gặp khó khăn sẽ phù hợp với người có tầm nhìn. Nếu người đó cần thi hành những thay đổi, quyết định lớn một cách nhanh chóng và triệt để thì nhà lãnh đạo cần điều hành với phong cách mệnh lệnh; tuy nhiên, sau khi tình hình đã thay đổi thì họ không thể dùng cách đó mãi. Trong trường hợp có những quyết định hỏi sự đồng thuận từ phía nhân viên, để gây dựng sự tận tụy tìm ra ý tưởng đột phá, cấp trên nên xây dựng một môi trường làm việc dân chủ. Ngoài ra, khi cần dẫn dắt nhóm nhân viên có chuyên môn cao và năng nổ, tự giác làm việc thì nhà lãnh đạo hãy vận dụng phong cách yêu cầu cao độ.

Bộ sáu phong cách lãnh đạo hiện nay có thể được mở rộng và phát triển thêm trong tương lai. Vấn đề cốt yếu nằm ở sức mạnh của những năng lực trí tuệ cảm xúc phía sau mỗi kiểu điều hành. Trong phần tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu về cách giúp bạn trở thành nhà lãnh đạo tài giỏi. Tuy quá trình học hỏi này không hề dễ dàng mà đòi hỏi nhiều nỗ lực và nhiệt tâm nhưng chắc chắn những lợi ích to lớn của việc lãnh đạo với năng lực trí tuệ cảm xúc sẽ tiếp thêm sinh lực và cảm hứng cho chúng ta trên suốt chặng đường đó.

Mọi người quan tâm có thể mua sách tại đây: https://tiki.vn/lanh-dao-bang-suc-manh-tri-tue-cam-xuc-p15416797.html?spid=35043758&src=ss-organic

 

Facebook
LinkedIn
Email
Print

Quý khách cần liên hệ tư vấn ?

Vui lòng liên hệ qua biểu mẫu trực tuyến, gọi điện cho chúng tôi qua email: cs@l-a.com.vn hoặc sđt: 0902 989 578
Để chấp thuận bảo mật thông tin theo Chính Sách Bảo Vệ và Xử Lý Dữ Liệu Cá Nhân và tiếp tục truy cập vào trang web của L & A, Quý khách vui lòng nhấn nút “Đồng ý”.
Call Now Button